Tôi là tác giả của bài "Sợ chúng tôi thiệt thòi, mẹ chồng nhất quyết đòi chia tài sản".

Cảm ơn các anh chị, sau khi đọc những chia sẻ của mọi người, tôi đã có được những nhận định của riêng mình. Tôi luôn tâm niệm rằng "có phúc ắt có phần" như lời mẹ nói 15 năm về trước. Hôm trước, tôi đọc được bài viết về một người cha đi ở rể, cảm thấy rất gần gũi với hoàn cảnh nhà mình nên xin được chia sẻ thêm một chút câu chuyện tuổi thơ của tôi.

Bố tôi cũng ở rể, nhưng ở trên mảnh đất bố mẹ tôi chắt chiu dành dụm để mua từ ông ngoại, khi ấy với giá 200 nghìn đồng. Ông bà ngoại tôi chỉ có ba người con gái, mẹ là út, hai bác đi lấy chồng xa. Bố là người cùng làng, yêu và theo đuổi mẹ theo cách của những chú bộ đội xa quê khi ấy với những lá thư tay đều đặn mỗi tuần. Bố mẹ kể, khi cưới nghèo lắm, chắt bóp mãi mới có manh áo mới để mẹ mặc ngày cưới. Bố đi làm đủ nghề: đi buôn muối, làm thợ xây, làm đũa,... Mẹ ở nhà làm ruộng, làm thuê làm mướn. Có lần bố đi buôn ở Hà Nội về, mua được chiếc xe đạp và chiếc tivi. Vui chưa bao lâu, một đêm trộm vào bỏ tivi lên xe đạp dắt đi cả. Cả nhà khóc hết nước mắt.

Bố mẹ vẫn cần mẫn nuôi bốn anh chị em tôi ăn học. Khi ấy vì nghèo quá nên chị cả của tôi phải nghỉ học cấp ba để nhường cho các em, dù cả xã có mỗi chị đủ điểm vào. Sau này bố mẹ xót quá, chị ham học quá nên cho chị đi học tiếp bổ túc. Anh tôi hết cấp ba đi học nghề. Chị cả nuôi chị kế học cao đẳng. Chị kế nuôi tôi học năm đầu đại học, những năm sau tôi tự đi làm nuôi bản thân. Chúng tôi lập gia đình, đều không giàu có gì nhưng luôn yêu thương và chia sẻ lẫn nhau. Bố mẹ có phần đất cho ba chị em gái, tôi nhường phần đó cho chị cả vì những hi sinh và vất vả của chị.

Hồi ấy, nhà ông bà ngoại ở sát bên. Ông nhiều đất lắm nhưng khi đó cũng không nghĩ xa, ông bán gần hết, phần để tiêu tuổi già phần chia cho bác gái, chỉ để lại một mảnh sát nhà tôi là phần cho mẹ để thờ phụng. Bác gái hiểu nhầm, từng vài lần quay về gây hấn cãi cự, nghĩ mẹ tôi được cho phần hơn, bao gồm cả mảnh đất nhà tôi đang ở. Mãi sau này hiểu ra mới thôi, chị em lại thân thiết. Những năm ông bà cùng bị tai biến liệt giường, chỉ có bố mẹ và tôi ở nhà thay nhau chăm sóc do anh chị đi học, đi làm xa. Tôi phụ giúp cho ông bà ăn, thay đồ, bưng bô lau rửa những khi bố mẹ bận. Khi ông bà lần lượt qua đời, cũng chỉ có bố mẹ tự tay làm hậu sự, hương khói.

Tới giờ, sau bốn lần làm nhà, bố tôi vẫn luôn dành vị trí đẹp nhất, thoáng nhất để thờ cúng ông bà ngoại. Nói về chuyện làm nhà, có lẽ bố tôi là thợ xây nên rất thích sửa nhà thì phải. Tôi 30 tuổi, chứng kiến bố bốn lần làm nhà, từ nhỏ tới to. Trước đây, bố còn giàu sức khỏe và nghèo tiền bạc nên thường túc tắc tự làm. Việc nào cần nhiều người làm mới kêu hỗ trợ. Tôi ở nhà phụ bố xách hồ, pha nước, tám chuyện cho bố vui. Bố tôi từng bán một phần đất nhỏ cho anh con nhà bác về làm nhà ở. Phần đất đó khi đo thấy bị xéo, bố tôi lẳng lặng xén sang đất nhà mình để anh xây nhà cho thẳng. Tiền bán đất đó cũng bị trả nhỏ giọt nhiều năm, gây mâu thuẫn. Sau này mẹ tôi mới biết vụ xéo đất nên càm ràm, bố nói "Kệ, để sau này đời con mình nó sống cho có anh có em".

Tới khi nhà nước có dự án làm đường qua nhà tôi, hầu hết mọi người đều ráng xây thêm phòng nhỏ trên lầu để được đền bù cao hơn nhưng bố nhất quyết không làm, nói "không tham". Lấy số tiền đền bù nhỏ rồi bố làm lại ngôi nhà chỉn chu để mỗi lần anh em tụ tập về có đủ chỗ ăn ngủ. Ngôi nhà đó có treo tấm ảnh đại gia đình với tám bé con, bốn trai bốn gái, là con của bốn anh chị em tôi, mỗi người một cặp. Bố tôi tự hào về điều đó, hãnh diện xạo với mọi người là cả nước không nhà nào được như vậy. Ngôi nhà đó tràn ngập tiếng cười nói, cãi nhau, chí chóe... của tám đứa trẻ con và tám đứa trẻ lớn mỗi khi tụ tập về.

Ngôi nhà đó là nơi cả tôi và chồng luôn háo hức được về để ăn những món ăn ngon nhất trên đời do bố mẹ và anh trai nấu. Ngôi nhà đó là điểm dừng chân nếu có bất kì giông bão nào trên cuộc đời, chúng tôi vẫn tin được chào đón để trở về. Được sinh ra và lớn lên trong một "ngôi nhà" như vậy, tôi hiểu hạnh phúc là gì và trân trọng nó. Tôi cũng thương chồng mình vì gia đình anh không trọn vẹn như vậy. Hơn tất cả, điều quan trọng nhất là tình thân và sự an toàn, mạnh khỏe của những người thân. Cảm ơn mọi người nếu đã đọc hết những tâm sự bé xíu của tôi. Năm mới, chúc tất cả đều hạnh phúc.

Cẩm Xuân

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top