Tôi 27 tuổi, chồng hơn chín tuổi, đăng ký kết hôn năm ngoái, có bé gái ba tháng tuổi, đang sinh sống ở Nhật Bản.
Trước khi có em bé, tôi và chồng đều làm việc toàn thời gian. Khi lấy nhau, chúng tôi chưa có tài sản gì, tôi phải trả nợ khoản vay lúc sinh viên và hỗ trợ gia đình một ít, còn chồng phải trả khoản vay 400 triệu đồng lúc sang Nhật (tôi cũng góp một phần giúp anh trả xong khoản nợ nhanh hơn).
Đến hiện tại, chúng tôi chỉ có số tiền tiết kiệm nhỏ phòng lúc ốm đau. Bố mẹ chồng tôi có 10 người con, trong đó có ba nam và chồng tôi là con út. Ông bà ở quê, nhiều tuổi, không có khoản lương hưu nào nên sống nhờ con cái chu cấp, chủ yếu từ chồng tôi. Đều đặn mỗi tháng chúng tôi gửi 5 triệu đồng cho ông bà, thỉnh thoảng có thêm tiền thuốc men lúc ông bà đau ốm.
Anh chị chồng cũng không phải khó khăn, nhiều anh chị có nhà cao cửa rộng, đất đai, một vài gia đình vay nợ để con cái đi du học nước ngoài. Tuy nhiên anh đầu ở gần đó không những không chu cấp mà còn cướp đất của ông bà.
Anh giữa hồi trước nghe nói có phụ ông bà một vài triệu đồng, từ hồi vợ anh sinh con thì ông bà bảo vợ chồng tôi cố gắng luôn phần của anh. Vậy là nhà chồng đông anh em nhưng chỉ có chồng tôi làm trụ cột. Tới lúc tôi nghỉ ở nhà sinh con, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi, tháng lương nào chúng tôi tiêu hết tháng đó vì có thêm con nhỏ, nhiều khoản phát sinh.
Dù vậy nhưng tôi không ý kiến gì vì biết chồng thương bố mẹ, kể cả lúc anh ấy chưa trả hết nợ vẫn gửi ba triệu đồng mỗi tháng về. Hơn nữa ông bà cũng già rồi nên tôi không muốn cha mẹ chồng thấy cảnh con cái đùn đẩy nhau nuôi mình. Vợ chồng tôi động viên nhau, chỉ cần cả nhà khoẻ mạnh là được, còn làm giàu để sau. Gần đây ông bà muốn làm lại nhà cửa nên đang bán miếng đất trị giá hai tỉ đồng, nghe nói đã có người đặt cọc. Tôi cứ nghĩ vậy là từ giờ đỡ được một phần gửi về cho ông bà, hóa ra không phải vậy.
Bố chồng tôi có tính sĩ diện, thấy người ta làm nhà lớn cũng muốn làm nhà hai tầng. Tôi bàn với chồng, nói ông bà làm nhà vừa thôi, làm nhiều tốn tiền lại không ở hết, để dành tiền phòng lúc ốm đau bệnh tật nữa. Giờ ông bà quyết định làm nhà một tầng, chi phí tổng cả nội thất tầm 1,4 tỉ đồng. Chị trên chồng tôi nói ông bà cho chị 200 triệu đồng để trả nợ nốt tiền mua đất, ông bà đồng ý. Số tiền còn lại bà định để dành đó, còn tiền hàng tháng chồng tôi vẫn phải gửi về cho ông bà. Tôi nghĩ đi nghĩ lại vẫn không hiểu tại sao ông bà có tiền không để lại ăn uống sinh hoạt, đỡ phần con cái gửi, lại phải cần con trai chu cấp hàng tháng như vậy. Trong khi đó gia đình tôi cũng khó khăn, tôi còn nghỉ chăm con dài cho tới khi con tuổi rưỡi. Chúng tôi chưa tổ chức lễ cưới nên cũng cần tiết kiệm để có tiền cưới, rồi phải tích lũy lo con cái học hành, chưa nói tới việc tiết kiệm để làm giàu.
Tôi mở lời bảo với chồng rằng ông bà bán đất là mình sẽ không cần gửi tiền nữa hoặc gửi ít lại, chồng nói ngay: "Việc gửi tiền về là trách nhiệm của anh. Dù bố mẹ bán đất anh vẫn gửi đều đặn như cũ". Hình như ở quê chồng tôi có văn hóa con trai út sẽ nuôi bố mẹ, tôi thấy vậy là không công bằng, sau này lỡ ông bà có ốm đau bệnh tật mà đổ tránh nhiệm lên vợ chồng tôi cả thì thật sự không kham nổi. Bố chồng nói sau này sẽ để lại nhà cửa cho chồng tôi, nhưng chúng tôi có ý định sinh sống ở Nhật lâu dài, nếu về cũng về thành phố vì ở quê không tiện cho công việc. Nhà đó bán cũng không được vì đó còn là nơi thờ cúng tổ tiên. Thực sự tôi chẳng ham của thừa kế của bố mẹ chồng vì ở thì không ở, bán cũng không được, muốn tự lực cánh sinh mua đất làm nhà nếu có về Việt Nam.
Chồng tôi cần cù, siêng năng, luôn cố gắng học thêm kỹ năng để nâng cao mức lương. Anh sống thoáng, tôi gửi cho nhà ngoại bao nhiêu cũng không ý kiến gì. Từ khi có bầu sinh con tôi chỉ gửi biếu ngoại các dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ tết. Về việc tiết kiệm tiền, suy nghĩ cho tương lai thì chồng tôi rất vô tư. Anh bảo tôi cứ sống vui vẻ, tận hưởng mỗi ngày, chăm con, báo hiếu bố mẹ, vậy là được, làm giàu để sau. Tôi nên làm gì trong trường hợp này cho hợp tình hợp đạo? Có phải tôi quá tính toán, chi ly với nhà chồng không?
Hải
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment