Trong ba loại rác thải cơ bản: rác thải y tế, rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt hộ gia đình, tôi thấy rác thải sinh hoạt hộ gia đình nhiều nhất và dễ xử lý nhất.

Nhiều người có chung suy nghĩ về việc xử lý rác thải rất khó khăn, cần phải có công nghệ hoặc đầu tư lớn mới làm được. Tôi thuộc thế hệ 8x, trưởng thành ở vùng nông thôn, trong suốt từng ấy năm gia đình tôi chưa đổ ra sông suối bất kỳ loại rác thải nào. Ở vùng nông thôn, hầu hết là rác thải hữu cơ dư thừa, chỉ có một số rác thải không thể tái chế như bóng đèn điện, kính xây dựng, mảnh vỡ thủy tinh, gạch men, gốm xứ, chai thủy tinh..., những loại này chiếm tỷ lệ rất ít. Còn nhiều nhất và khó xứ lý nhất chỉ có bao bì túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.

Người dân Việt Nam ở các vùng nông thôn hơn 20 năm trước đã tự phân loại rác. Rác hữu cơ được chôn lấp ở vườn nhà, rác có thể tái chế được thu gom bán phế liệu, rác thải khó xử lý và bao bì túi ni lông họ sử dụng giải pháp chôn lấp hoặc đốt ở xa khu dân cư. Chính người Việt Nam chúng ta từ lâu đã biết phân loại và xử lý rác thải một cách hợp lý rồi, chứ không phải các bạn khi đi sang nước ngoài mới phát hiện ra các nước văn minh mới phân loại rác thải.

Có điều ở ta không biết phát huy những thói quen phân loại rác của ngày trước, không biết cách tổ chức xử lý rác thải hiện đại hơn. Giờ ở nhiều vùng nông thôn xuất hiện các xe thu gom rác mà môi trường lại có những điểm ô nhiễm mùi hôi. Thói quen phân loại và xử lý rác tại các hộ gia đình ngày trước bị xóa bỏ, giờ họ cho tất cả rác thải vào túi ni lông, quẳng lên xe chở rác, sau đó tập kết ở một bãi rác lớn và bắt đầu ô nhiễm một vùng.

Tôi đã đến TP HCM sinh sống khoảng 15 năm, ở một nơi giống miền quê. Trong từng ấy năm, rác thải sinh hoạt gia đình tôi tự xử lý hết tại chỗ như trước đây, rác hữu cơ thì chôn lấp cho cây, một số bao bì chôn ở hố cố định trong vườn, không dùng đến dịch vụ thu gom rác. Tôi nhận thấy vấn đề xử lý rác thải sẽ hết sức dễ dàng nếu chúng ta không để lẫn lộn rác hữu cơ và vô cơ, không để lẫn lộn thức ăn dư thừa với các loại đất đá, vật dụng khác. Hàng triệu hộ gia đình nông thôn đã thực hiện xử lý rác thải gia đình, các gia đình thành thị cũng có thể làm dễ dàng. Chỉ cần quy hoạch tổ chức cho mọi người ở khu phố đổ thức ăn dư thừa, các sản phẩm hữu cơ dễ bốc mùi vào đúng nơi quy định để tái chế thành phân bón, số rác thải vô cơ còn lại sẽ được vận chuyển đến nơi khác để phân loại, tái chế.

Chúng ta thiếu các quy hoạch không gian, phương pháp để xử lý bớt rác thải tại chỗ. Ví dụ như tại các chợ đầu mối nông sản, chúng ta hoàn toàn có thể cho toàn bộ rau quả hỏng vào một kho kín và xử lý thành phân bón hữu cơ. Có điều ở ta chưa thực hiện những phương án như vậy. Có những vấn đề rất dễ giải quyết nhưng chúng ta lại khiến nó phức tạp lên, sau đó trở thành một vấn nạn khó giải quyết.

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top