Tôi là cô gái của bài viết "Tôi định dành mỗi tháng hai triệu để hưởng thụ cuộc sống".

Xin cảm ơn góp ý của các độc giả và thành thật xin lỗi vì tôi không cung cấp đầy đủ thông tin khiến nhiều người hiểu nhầm.

Vấn đề thứ nhất mọi người thắc mắc là tài chính. Tôi không phải tiết kiệm tiền từ lúc ra trường, mà bắt đầu biết tiết kiệm tiền từ năm cấp ba. Qua hai lần kinh doanh bù lỗ nhưng khoản tiền không lớn vì tôi luôn có kế hoạch quản trị rủi ro. Tức là tôi sẽ bỏ một số vốn để kinh doanh và nếu kinh doanh lỗ quá số tiền quy định, tôi sẽ dừng lại. Tính đúng ra là ba lần kinh doanh: lần đầu là xe nước, hoa quả và đồ ăn vặt, lần thứ hai là quần áo second hand, lần thứ ba là văn phòng phẩm).

Vấn đề thứ hai, xin đính chính lại là tôi không xây nhà cho bố mẹ, chỉ mua một mảnh đất cho bố mẹ dự phòng ốm đau. Do là ở quê, lại không phải đất thổ cư, chỉ là đất trồng cây lâu năm nên năm năm trước mảnh đất ấy có giá 450 triệu đồng. Tôi có trả nợ cho gia đình nhưng khoản nợ đó không nhiều, tầm gần 200 triệu.

Vấn đề thứ ba là hưởng thụ. Vì trước đây tôi sống theo chủ nghĩa tối giản và bảo vệ môi trường nên ngoài vì tự ti và chán ghét bản thân, tôi thấy ông trời rất ưu ái mình. Là người từng làm thiện nguyện rất nhiều ở các bệnh viện, nhất là có kinh nghiệm vài lần ở bệnh viện Chợ Rẫy, đối với tôi cuộc sống an toàn, có nước sạch để dùng, có wifi, có máy tính, có sức khỏe là vô cùng hạnh phúc rồi. Nếu ai đang chán đời và tự thấy cuộc đời bất công, tôi có một gợi ý, đó là hãy đi thử thiện nguyện ở các bệnh viện và ghé qua những khoa như khoa thận, tim, bệnh hiểm nghèo để thấy cuộc sống bình yên, khỏe mạnh hiện tại là vô giá và xứng đáng hưởng thụ đến mức nào.

Vấn đề thứ tư, tiết kiệm mà vẫn đi chơi tẹt ga. Cái này thì tôi cũng không để ý là bao nhiêu tiền, vì nếu có ý định đi, tôi thường chuẩn bị từ trước, trích 5% lương để đi du lịch, khi nào áng áng tiết kiệm đủ tiền là đi. Ngoài ra, tôi ở miền Bắc nhưng vì muốn trải nghiệm cuộc sống trong Nam nên thay vì lên Hà Nội, tôi xin bố mẹ vào miền Nam học, nhờ vậy tôi có cơ hội đi hết Sài Gòn và đi phượt hoặc theo bạn bè đi Long An, Đà Lạt, Cà Mau, Phan Thiết và nhiều nơi khác ở miền Nam. Cùng dãy phòng trọ với tôi có một bé học chuyên ngành tiếng Hàn, tôi và bé bàn nhau đi du lịch nên vào khi học đại học là chuyến đi du lịch nước ngoài đầu tiên. Sau khi ra trường, trung bình một năm tôi đi một đến hai chuyến. Sau rất nhiều lần thử nghiệm, tôi phát hiện mình không hề thích đi du lịch. Là cô gái tương đối nội tâm nên việc ở một nơi xa lạ làm tôi rất căng thẳng, nhạy cảm và lo lắng.

Vấn đề thứ năm, hưởng thụ gì với 2 triệu. Với tôi, có quá nhiều thứ muốn làm. Tôi muốn mua một chiếc piano điện nhưng đã có quá nhiều sở thích, sợ làm gì cũng không tới. Hai triệu đó cũng đủ để tôi vi vu rất nhiều địa điểm ở Hà Nội, mua quà về cho bố mẹ...

Vấn đề thứ sáu, có bạn nói với mức tiêu 5 triệu là tôi đang tồn tại chứ không phải để sống. Không biết mọi người thế nào, còn tôi thấy cuộc sống của mình rất hạnh phúc và đủ đầy. Tôi đang nuôi hai bé mèo rất dễ thương và ngoan ngoãn. Tôi còn có nhiều sở thích như trồng cây, decor, đọc truyện, nghe nhạc, xem phim, nghe sách nói, vẽ, may đồ, thêu, làm đồ handmade, pha chế nước ngọt, làm đồ ăn vặt...

Về vấn đề 500 triệu không đủ cho các sóng gió có thể xảy ra. Với một đứa từng trầm cảm và tự sát hai lần (tôi bị chứng tự ti tự phủ định và chán ghét bản thân), với tôi cái chết không đáng sợ. Cuộc sống tôi đang sống từng giờ từng phút là ân huệ ông trời trao thêm nên tôi chưa bao giờ thấy nghi ngờ về đặc ân ấy. Ngoài ra nhờ đọc sách, cái nhìn về cái chết, sự chia ly, tôi đều nhìn thoáng hơn. Đối với tôi, thế nào cũng được, chỉ lo cho bố mẹ nên tôi mua một mảnh đất nhỏ để dành ốm đau. Tôi cũng đang đóng cho bố một gói bảo hiểm xã hội tự nguyện của nhà nước, còn mẹ không chịu mua vì dù là của nhà nước, mẹ cũng không tin tưởng, hoặc có thể mẹ xót tôi không muốn tôi tiêu thêm tiền. Tôi xác định nếu bố mẹ bệnh tật bán mảnh đất và tiền tiết kiệm vẫn không đủ, tôi sẽ bán nhà để lo chữa trị rồi qua sóng gió thì tính tiếp. Nhà có ba chị em gái, tôi không lo được thì còn có chị và em gái cùng lo. Tôi thấy trắng tay cũng không phải điều gì quá khó chấp nhận. Đến với thế giới này, ta không mang theo gì, vậy lúc đi chúng ta cũng không mang theo được thứ gì theo cả.

Về vấn đề ăn mặc, tôi không khắt khe với chính mình. Mọi người nhìn vào tần suất đi du lịch sẽ thấy tôi cẩn thận chăm sóc bản thân. Tuy nhiên tôi không thấy việc ăn uống kham khổ hiện tại là sẽ chi tiền cho bác sĩ sau này. Đối với tôi, bệnh tật là một chữ "duyên" một chữ "nghiệt". Tôi từng chứng kiến nhiều ông bà xung quanh sống đến 80-90 tuổi (bà tôi hưởng thọ 89 tuổi) và họ ăn uống rất kham khổ, bà tôi còn từng nhiễm qua chất độc màu da cam. Trong khi đó, tôi có một người chị rất chú trọng dưỡng sinh nhưng sáu năm trước ở tuổi 32 tuổi chị ấy mất vì ung thư não giai đoạn cuối. Vậy nên với tôi, quan trọng là tâm thanh thản, thoải mái thì ăn gì không quan trọng. Bạn sẽ không biết bệnh tật đến lúc nào, thay vì gò bó xem dinh dưỡng có tốt không, hãy tĩnh tâm lại, tự để cơ thể cảm nhận nó muốn ăn gì và muốn làm gì.

Khánh Linh

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top