Tôi như tội đồ trong mắt họ khi không sinh được con ngoan cho chồng để về già chồng phải khổ.

Dẫu biết cuộc đời là vô thường, có được có mất, có sinh có diệt, dù vui hay buồn, mọi việc cũng thế, nhưng hôm nay tôi cảm thấy chông chênh, muốn trải lòng về hoàn cảnh của mình.

Tôi 39 tuổi, chồng 43 nhưng gia đình chồng vẫn muốn tôi sinh thêm bé thứ ba vì con trai đầu 13 tuổi bị tự kỷ dạng nặng dù tôi phát hiện ra từ khi được mấy tháng. Can thiệp ròng rã từ đó đến nay nhưng bé chỉ dừng lại ở nhận thức, biết nói khi có nhu cầu, nói không rõ ràng, kèm theo rất nhiều hành vi điển hình của chứng tự kỷ. Bé phải có người theo dõi trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Vì thế tôi phải đồng hành cùng bé khi mỗi tháng tốn rất nhiều tiền ở các trung tâm dạy trẻ tự kỷ nhưng vẫn không tốt bằng mẹ.

Gia đình chỉ có chồng là người kiếm tiền. Hàng ngày tôi ở nhà lo việc nhà, cơm nước, dọn dẹp, đưa đón bé thứ hai và dạy bé lớn mọi việc từ làm việc nhà cho bé làm cùng, cầm tay bé, những lúc bé không thích sẽ có nhiều hành vi như đánh mẹ, tự làm đau bản thân... nhất là bé đang ở giai đoạn dậy thì. Hàng ngày tôi cùng bé đi bộ, tập thể dục để bé giải tỏa năng lượng. So với người đi làm, người ở nhà như tôi tinh thần phải vững, suy nghĩ tích cực mới vui vẻ mỗi ngày cùng con.

Cái tôi muộn phiền không phải sinh con khiếm khuyết, vì dù lành hay méo vẫn là con mình, đã sinh con ra thì cứ nuôi hết lòng hết dạ dù ngày mai có ra sao cũng không phải hối hận; mà là mẹ chồng hay bên chồng luôn bảo phải sinh đứa nữa để sau này lo cho anh. Mẹ chồng bảo rằng tôi không tích cực khi luôn nghĩ các tình huống xấu khi nói lỡ đứa nữa như anh nó thì sao; nói tôi không cố gắng hết mình. Tôi trả lời lại mẹ rằng quan điểm sinh con không phải để sau này lo cho người này người kia, như vậy thật là độc ác. Cha mẹ nuôi con còn kể công sao đòi anh em lo được nhau, hơn nữa lo cho một người khiếm khuyết như con trai đầu thì gấp bao nhiêu lần so với người bình thường. Điều đó là không thể, hơn nữa tôi đã 39 tuổi, kinh tế không dư dả, tinh thần không tốt để sinh tiếp.

Nói sơ về gia đình chồng, hiện tại ba mẹ chồng đã trên 60 tuổi nhưng không hề có tài sản tích lũy, vẫn làm kiếm sống hàng ngày, phải thuê trọ trên thành phố và còn nợ tiền vay mượn để mua bán. Ở quê, ông bà không có nhà, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, luôn có tâm lý sau này hết làm nổi thì con cái phải lo nên cứ có gì là gọi các con (có ba người con, ngoài chồng tôi ra còn hai em chồng làm ăn không dư dả gì).

Khi biết con trai tôi bị vậy, họ đổ thừa tôi là kỹ quá, không cho con ra ngoài chơi để con bị vậy. Nhưng họ đâu biết rằng chỉ hai tháng, tôi đã thấy sự khác thường của con khi bé không hóng chuyện, khóc vô cớ... Giờ tôi thật sự không muốn gặp ba mẹ chồng, mỗi khi gặp, tôi có tâm lý tiêu cực. Tôi như tội đồ trong mắt họ khi không sinh được con ngoan cho chồng để về già chồng phải khổ.

Tôi có tâm nguyện rằng khi về già, chỉ mong con gái tự tập, có gia đình riêng, tôi và chồng cùng chăm sóc con trai. Nếu một trong hai người ra đi trước, người còn lại tự quyết định nương tựa nơi đâu cảm thấy an yên nhất có thể. Nếu chồng tôi mất trước, tôi sẽ cùng con trai nương tựa vào ngôi chùa nào đó để sau khi tôi mất, thời gian còn lại con cũng nương nhờ cửa Phật. Còn về phía ba mẹ chồng, tôi vẫn khuyên chồng hiếu đạo trong khả năng có thể. Cảm ơn mọi người đã đọc câu chuyện của tôi.

Mai Trang

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top