Khi đọc bài: "Mẹ chồng chỉ muốn tôi ở nhà làm ôsin cho con", tôi thấy tác giả ở tình trạng báo động mà vẫn không nhận ra.

Tôi là bác sĩ nhi, đã tìm hiểu rất nhiều về tâm lý, từng là nạn nhân của kiểm soát cưỡng chế và bạo hành ái kỷ. Bạn đã và đang là nạn nhân của bạo hành tinh thần, bị thao túng tâm lý và kiệt sức vì điều đó mà vẫn bênh vực cho kẻ bạo hành. Tôi vội vàng viết bài này, mong bạn và bạn đọc cùng cảnh ngộ sớm nhận ra vấn đề.

Một: Với những dữ kiện bạn đưa, có khả năng mẹ chồng, kẻ bạo hành bạn có xu hướng ái kỷ. Cụ thể, tôi xin phân tích như sau: Người này thích được quan tâm, ngưỡng mộ. Bằng cách nào đó, người này tạo ra một hình ảnh hoàn hảo, nên dù bị bạo hành, nạn nhân vẫn khen: "Mẹ là người phụ nữ giỏi giang, quán xuyến được mọi việc trong gia đình". Người này thiếu sự đồng cảm (lack of empathy): "Mỗi lần tôi không cho con ăn được, bà sẽ ôm vô phòng, đóng chốt và ép một cách thô bạo. Ở ngoài nghe con khóc, tôi không biết làm sao". "Món ăn mới, nấu thử cho con nhưng không bao giờ được bà ủng hộ". "Ngay cả tôi đi vệ sinh bà sẽ bê cháu ra đứng trước cửa nhà vệ sinh đợi tôi".

Người này cái tôi rất lớn, tự cho là mình đúng, mặc dù phản khoa học hoàn toàn. Ép trẻ ăn là sai hoàn toàn về tâm lý cũng như dinh dưỡng. Khi bị ép buộc, trẻ không thể tiết đủ dịch tiêu hóa để hấp thụ thức ăn, không thể ngủ ngon để tiêu hóa phần thức ăn quá lớn đưa vào cơ thể, từ đó chậm phát triển thể chất. Bồ câu là thức ăn có hàm lượng protein cao, nếu ăn nhiều rất hại thận, ngoài ra không thể hấp thụ mọi thứ ăn mà cơ thể sẽ tự đào thải ra ngoài, gây tiêu chảy hoặc táo bón theo đợt.

Những người này do tự cho là mình đúng nên khả năng tự học rất thấp. Kiến thức của họ thường rất cũ, dựa trên kinh nghiệm, không có số liệu hỗ trợ. Cụ thể, họ luôn nói ăn nhiều là tốt, nhưng không thể nói ăn bao nhiêu, mỗi chất đạm, béo, tinh bột, khoáng chất... cần bao nhiêu, cũng như không biết trẻ tuổi đó cần bao nhiêu và nặng bao nhiêu là bình thường. Người này rất dễ giận hoặc dỗi mỗi khi sự việc không đúng ý: đánh trẻ khi trẻ không ăn, có mỗi việc múc ít thức ăn cũng khó chịu rồi. Người này tự cho bản thân có đặc quyền khi kẻ bạo hành chỉ là bà nội, không phải mẹ đứa trẻ, thế nhưng đã can thiệp một cách thô bạo vào quá trình nuôi trẻ nhân danh tình yêu. Người này thích hơn thua, háo thắng, khi con dâu nấu được món ngon thì không nói gì, thất bại là chê bai.

Hai: Để thao túng nạn nhân, người này dùng các chiêu thức sau:

Gaslighting: khiến nạn nhân nghi ngờ bản thân, nhân danh tình yêu với cháu để thao túng nạn nhân, "dán nhãn" cho nạn nhân nghĩ mình không biết ép con ăn, không biết chăm con. Kiểm soát cưỡng chế: "Hiện tại tôi sống riêng nhưng không thoát được sự kỳ vọng ở mẹ chồng", kiểm soát từ việc đi chợ, nguyên liệu nấu ăn, món ăn, cách nấu, cách cho ăn, cách giáo dục con. Dìm hàng, hạ bệ nạn nhân, không bao giờ công nhận thành công của người khác khi cười nhạo món ăn nạn nhân nấu, còn khi con ăn ngon lành thì bà mẹ chồng không nói gì. Bôi nhọ sử dụng khỉ bay (monkey flying) để bạo hành nạn nhân, qua đó cô lập nạn nhân: "Còn cho con thử muỗng đầu thất bại, bà sẽ đi bêu rếu tôi với ba chồng, chồng và cả làng".

Bôi nhọ vô căn cứ: "Chỉ cần tôi đi đâu về trễ là y như rằng ba chồng sẽ nói tôi lăng loàn". Liên tục trừng phạt nạn nhân: "Tôi không được bà giữ cháu cho ăn trưa ăn tối", "Con không ăn hết là bà thở dài, khó chịu với tôi". Không tôn trọng ranh giới, tấn công quyền cơ bản của nạn nhân: "Tôi không được bà giữ cháu cho ăn trưa, ăn tối", "Không muốn cháu đi nhà trẻ", "Ngay cả tôi đi vệ sinh bà sẽ bê cháu ra đứng trước cửa nhà vệ sinh đợi tôi". Bạo hành tài chính: Ép con dâu ở nhà, nghỉ làm nhưng vẫn phải đóng góp sinh hoạt phí đầy đủ.

Ba: Bạn nữ có dấu hiệu bị bạo hành như căng thẳng, trầm cảm, làm tất cả chỉ để chiều lòng kẻ bạo hành. "Con càng chán ăn, tôi càng áp lực", "Cứ gặp bà là tôi lại căng thẳng, stress". Cuộc sống bị kiểm soát hoàn toàn bởi mẹ chồng và con nhỏ: "Mở mắt dậy là chỉ lo phục vụ đứa nhỏ"; "Tôi ngộp thở". Bênh vực kẻ bạo hành: "Tôi hiểu bà luôn muốn tốt cho cháu" đồng thời nghi ngờ chính mình, tự hạ thấp bản thân, tự trọng thấp, chấp nhận sự bạo hành:"Chính tôi cũng sợ hành động dẫn con đi chơi của mình".

Không thể bảo vệ được con, chấp nhận con bị đánh, chấp nhận cho bà nội dùng điện thoại để ép bé ăn, chấp nhận hậu quả bé chậm nói. Bị cô lập: "Tôi xộc xệch, lôi thôi, không son phấn, không bạn không bè". Dù bài viết không nhắc nhiều đến chồng và bố chồng nhưng qua vài chi tiết, có thể họ cũng không đứng về phía nạn nhân. Có thể thấy nạn nhân bị cô lập hoàn toàn, thế giới quan đã bị bóp méo, không thể phân biệt đúng sai nữa. Con bạn là công cụ để bạo hành, đồng thời là nạn nhân thứ cấp: chậm nói, nghịch ngợm, ốm yếu, sức khỏe thể chất suy giảm, bị viêm da thần kinh. Muốn giải thoát: "Bỏ nhà ra đi vì quá vất vả trong chăm con".

Bốn: Chồng và bố chồng của bạn có khả năng cũng là ái kỷ hoặc đồng phụ thuộc, tức những người luôn cần sự công nhận. Nếu bạn không nhanh chóng nhận diện họ, bạn sẽ bị thao túng không chỉ bởi mẹ chồng. Hiện kiến thức về ái kỷ nói riêng và bạo hành tinh thần nói chung đã rất phổ biến, cả bằng tiếng Việt. Tôi từng là nạn nhân và trải qua tình cảnh tương tự. Nhờ kiến thức, tôi đã giải thoát và từng bước chữa lành bản thân. Khi người mẹ ổn và hạnh phúc, đứa con sẽ ổn theo, khỏe mạnh dần dần. Con tôi cũng vậy, hiện mẹ con tôi rất hạnh phúc. Hãy tự học và tìm hạnh phúc thông qua tri thức bạn nhé. Chúc bạn may mắn!

Như Ý

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top