Gia cảnh anh bình thường; anh có thể coi là vượt khó thành công vì giỏi giang, công việc tốt, sửa được nhà cho ba mẹ.

Tôi 26 tuổi, bạn trai 28 tuổi, quen nhau hai năm. Tôi có thu nhập 30 triệu đồng, bạn trai kiếm được hơn số đó. Chúng tôi không quá xoáy sâu vào thu nhập của nhau nhưng cả hai xác định sau này sẽ cưới nên một năm nay bỏ quỹ chung để mua vàng. Tôi đang giữ ba lượng vàng của cả hai, số tiền góp quỹ chia đều với nhau. Bình thường đi ăn uống, đi chơi, quà cáp anh sẽ chi hết. Thỉnh thoảng, tôi mời anh những dịp như sinh nhật anh.

Trước tết, anh hỏi tôi ra tết mua ôtô không, sẽ dùng tiền tiết kiệm chung để mua, số còn lại bù thêm hoặc trả góp chung. Anh sẽ để tôi đứng tên nhưng xe để nhà anh vì nhà anh có sân. Tôi không đồng ý vì cảm thấy không cần thiết mua xe như vậy. Chúng tôi mua xe không phải để kiếm tiền, chỉ sử dụng đi lại cá nhân, có vẻ phí. Vì thế tôi từ chối dù vẫn có tiền tiết kiệm đủ để bù vào để mua trả thẳng. Ý tôi muốn chúng tôi cùng để dành mua nhà trước vì anh chưa có nhà riêng. Anh không nói gì thêm, tôi nghĩ anh đã thông suốt rồi.

Tuần rồi, anh bảo sẽ mua xe bằng tiền tiết kiệm của anh, qua hôm sau anh đi mua luôn. Vì điều đó, tôi và anh cãi nhau, tôi muốn anh nếu có tiền thế hãy mua nhà trước rồi mua tiêu sản gì thì mua sau. Anh vẫn quan điểm nhà với anh không nhất thiết phải sở hữu chính chủ, ở nhà thuê không sao, hoặc nếu tôi muốn mua nhà quá thì sau này cưới về sẽ cùng nhau mua. Anh bảo giờ anh vẫn còn khả năng để mua được nửa căn nhà. Nếu tôi bù được một nửa thì đi mua ngay thôi, không có gì phải lo.

Anh như cố tình chọc tức tôi vì biết thừa hiện tại tôi không có số tiền lớn đến như vậy. Tôi cảm thấy anh ham mê vật chất, hình thức, sĩ diện, hơn thua nhau trong việc có xe ôtô hay không mà không nghĩ đến việc lớn hơn. Anh sống hoang phí vì tiêu tiền lớn vào tiêu sản thay vì mua tài sản để dành, sau này còn cho con cái.

Một điểm rất khác biệt giữa tôi và anh, đó là anh luôn có tư tưởng con cái phải tự thân vận động, anh chỉ lo cho đến khi học xong, muốn học gì anh sẽ cho học. Anh sẽ nói trước với con khi còn nhỏ rằng phải cố gắng học để tự lập khi trưởng thành, đừng trông chờ việc anh sẽ cho tài sản gì vì anh chỉ có khả năng lo cho mọi thứ thật tốt khi còn trong độ tuổi đi học thôi.

Ba mẹ anh nghèo mới không có gì để cho anh, nhưng đâu phải vì họ không muốn cho. Tôi không muốn những đứa con của mình sau này phải khổ cực, lo lắng tìm một căn nhà riêng như chúng tôi bây giờ, trong khi rõ ràng anh có khả năng khiến cho cuộc sống của con nhẹ nhàng hơn. Tôi nên làm gì để anh thay đổi quan điểm sống, biết tiết kiệm hơn, bớt ích kỷ, biết lo lắng cho tương lai của con cái sau này? Cảm ơn mọi người đã chia sẻ.

Huỳnh Như

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top