Thời điểm xảy ra biến cố, vợ chồng tôi đã sống với nhau 20 năm, có hai con.

Tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi có một gia đình, một cuộc sống như vậy, luôn cho rằng không có người phụ nữ nào hạnh phúc hơn mình. Cha tôi là bác sĩ đa khoa, mẹ công tác trong ngành giáo dục, tuổi thơ tôi được cha mẹ yêu thương, nuông chiều nhất trong các anh chị em. Ngày tôi kết hôn, ba đã khóc suốt dù tôi không đi đâu xa khỏi thành phố. Cha mẹ yêu thương chồng tôi, ngưỡng mộ sự phấn đấu, thành công của anh ấy trong công việc.

Ngày ba tôi qua đời, tôi thẫn thờ, một thời gian sau mới cân bằng trở lại, thời điểm đó tôi luôn có chồng bên cạnh. Trong thâm tâm tôi luôn tin anh là người hiểu mình nhất trên đời. Tôi thần tượng và đặt trọn niềm tin nơi chồng. Sống bên anh, tôi luôn được chiều chuộng, ăn mặc đẹp, đi du lịch bất cứ khi nào muốn.

Tôi không "giỏi việc nước đảm việc nhà" như những người phụ nữ khác nhưng nhẹ nhàng, khéo cư xử. Tôi vẫn đi làm, trao đổi với chồng trong các khoản đầu tư, mua đất đai nhà cửa, thế nhưng tiền tích lũy trong gia đình đến từ thu nhập của chồng. Tôi duy trì công việc để giao tiếp xã hội và giúp bản thân không lạc hậu. Tuy có người giúp việc nhưng tôi cũng vào bếp.

Về công việc, thỉnh thoảng chồng trao đổi với tôi. Tôi không am hiểu đặc thù ngành nghề của anh nhưng luôn ủng hộ, ít đòi hỏi thời gian anh dành cho mình.

Tôi kể sơ về hoàn cảnh gia đình để các bạn thấy tâm trạng và phản ứng của một người phụ nữ khi đứng trước biến cố chồng ngoại tình là khác nhau, nó ảnh hưởng từ cả quá trình họ được sinh ra và trưởng thành, ảnh hưởng từ hoàn cảnh chung sống với người bạn đời. Giờ ngồi viết những dòng này tôi vẫn không tin được chuyện xảy ra với cuộc đời mình.

Một buổi tối trước ngày cuối tuần, tôi trở về nhà với tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Việc đầu tiên muốn làm là lên ngay phòng làm việc của chồng xem anh thế nào, tôi không có thói quen gọi điện thoại hay nhắn tin với chồng những khi anh đi công tác, không muốn làm anh mất tập trung hay sao nhãng. Tôi tin tưởng trong lòng anh chỉ có công việc và gia đình, vì thế chỉ gọi hoặc nhắn tin cho chồng khi có vấn đề cần phải đưa ra quyết định ngay tức thì. Tôi thấy bất an khi nhìn thấy vẻ mặt của chồng lúc anh nói vừa được tin một người bạn qua đời, cô ấy là mẹ đơn thân, đứa bé còn quá nhỏ, vợ chồng tôi có thể cưu mang đứa bé không? Trong đầu tôi lúc đó không nghĩ gì, chỉ thấy ánh mắt tha thiết và đau khổ của chồng. Là phụ nữ, tôi cảm nhận được ngay không phải chỉ là sự thương cảm trước những hoàn cảnh trong xã hội. Ba tôi từng cưu mang nhiều hoàn cảnh như thế nên có lẽ tôi được thừa hưởng từ ông sự cảm nhận này.

Tôi hỏi chồng đã cân nhắc về thời gian, sức khỏe, sự bao dung để mang một đứa bé về nuôi đến khi trưởng thành không? Nó không chỉ là một quãng thời gian, không chỉ là nuôi cho lớn mà còn là cuộc đời của một con người. Con mình mà đôi lúc giận quá mình nói những lời trách móc, gây tổn thương, vậy bản thân có đủ bao dung khi nhận một đứa bé về nuôi rồi nó trưởng thành không theo cách mình mong muốn thì có hạnh phúc, trừ khi nó là con của anh.

Tôi không nói gì thêm ngoài những suy nghĩ này, cũng không hiểu sao ngay lúc đó lại rất bình tĩnh hỏi chồng đó có phải con anh? Chồng bảo nếu phải thì tôi có cưu mang nó không? Trước khi hỏi câu này tôi đã có câu trả lời, tôi có linh cảm khi nhìn gương mặt đau khổ và ánh mắt day dứt của chồng. Tôi nghĩ lúc đó mình chỉ mất khoảng 30 giây im lặng, định thần rồi hỏi anh có chắc đứa bé là con mình không, có muốn thử ADN không? Nếu đúng con anh thì việc nuôi đứa bé như thế nào hãy cho tôi thời gian suy nghĩ, tôi vẫn chưa tiếp nhận được hiện tại này. Còn đứa bé không phải con anh, chỉ là anh thương cảm hoàn cảnh và nhận làm cha đỡ đầu thì vợ chồng tôi chỉ nên hỗ trợ về tài chính.

Chồng bảo đứa bé là con anh, mẹ bé không phải người lăng nhăng. Mẹ bé không muốn lấy chồng, chỉ muốn làm mẹ đơn thân nên xin anh một đứa con, cô ấy có ý định làm thụ tinh ống nghiệm chứ hoàn toàn không muốn phá hoại hạnh phúc gia đình tôi. Tôi hỏi anh có yêu mẹ bé không hay chỉ là tình cảm nhất thời? Anh có trả lời nhưng lúc đó tôi không còn nghe được gì. Tôi hỏi nếu mẹ bé không qua đời thì anh có ý định giấu đến bao giờ? Anh bảo sợ làm tôi buồn, với lại lâu nay anh không qua lại với cô ấy, cô ấy cũng không nhận sự giúp đỡ về tài chính nào.

Tôi không hề khóc, vẫn bình tĩnh lên sân thượng thức nguyên đêm hôm đó, nhìn đường chân trời cho đến khi mặt trời mọc. Tôi đã nói với chồng 3 giải pháp, một là cùng nhau đỡ đầu đứa bé, con mình được đầu tư học hành và vui chơi giải trí như thế nào thì đứa bé cũng được y như thế. Hai là chúng tôi chia tay, sẽ mua thêm một căn hộ, tôi và hai con chuyển ra căn hộ đó sống. Tôi rất mạnh mẽ, anh cứ yên tâm để tôi chăm sóc tốt hai con, anh chu cấp đến khi chúng trưởng thành. Còn anh nuôi và chăm sóc đứa bé cùng một bảo mẫu. Cả hai chia tay văn minh, tôi sẽ nói với hai con rằng mẹ không còn tình cảm nên chia tay bố. Ba là vợ chồng mang đứa bé về nuôi nếu gia đình ngoại của bé đồng ý. Có điều anh cần cho tôi thời gian với giải pháp thứ ba.

Tôi vẫn chưa biết mình sẽ như thế nào, sự việc quá bất ngờ, không biết có đủ bao dung mà thương yêu đứa bé không, hay nhìn bé lại chỉ thấy nỗi đau. Trước mắt chồng nên chọn hai giải pháp đầu.

Tôi đã nói chuyện với anh trai chồng để nói chuyện, muốn khi không có tôi bên cạnh thì chồng vẫn còn gia đình giúp đỡ. Tôi không oán trách chồng, cũng không nghĩ được gì cho bản thân. Tôi cần xác định lại tình cảm chồng dành cho mình còn hay không, có đủ để tôi vì nó mà cùng anh đối diện với tương lai. Nếu không cảm nhận được tình yêu nơi chồng mà chỉ cảm nhận được anh sống cùng vì trách nhiệm, tình nghĩa 20 năm vợ chồng thì sẽ chia tay.

Buổi nói chuyện của tôi với anh chồng diễn ra trong nước mắt của tôi, anh ấy là chỗ dựa duy nhất của tôi và chồng tôi trong lúc này. Tôi không muốn thêm ai đau khổ hay thương xót mình trước biến cố này nữa. Tôi trở về và mỗi ngày cảm nhận chồng yêu thương mình, thấy sự day dứt với khổ tâm trong ánh mắt chồng. Tôi thổn thức, tủi thân trong vòng tay chồng mỗi tối. Có những quyết định, hành động chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc nhưng dư âm để lại quá đau khổ, day dứt cả một đời.

Phượng

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top