Đọc bài: "Muốn con xây dựng mục tiêu cuộc sống", tôi xin chia sẻ những bài học, kinh nghiệm qua sự thất bại của cá nhân.

Tôi lấy chồng, sinh con ở Mỹ và ly hôn khi con cỡ 10 tuổi. Tôi không lường trước được đối đầu với trẻ tuổi teen phức tạp và khó khăn đến thế. Là người hơi lo xa, có chút kỹ tính, tôi đã không biết khéo léo, uyển chuyển với con cái.

Tôi qua Mỹ năm 18 tuổi, học xong đại học với tấm bằng bác sĩ, luôn mong con cái ít ra cũng phải xong đại học, tự lo cuộc sống cá nhân, làm gì đó để giúp ích cho xã hội. Không ngờ khi còn ở cấp 3, con đã bỏ bê học hành làm tôi lúng túng. Cũng như các bậc cha mẹ Việt Nam, tôi có thói quen "bắt" con mình học. Lúc nhỏ, điểm học của các con khá cao; ở nhà con cũng được rèn các nếp sống khá kỷ luật: giờ giấc, thời lượng chơi máy tính, làm việc nhà lặt vặt. Khi con bước vào tuổi teen, sự "ngoan ngoãn" bớt dần, tranh cãi tăng lên. Rồi tôi nghiên cứu cách giải quyết vấn đề với con, giải quyết từng việc một, từng bước nhỏ, tôn trọng và lắng nghe con thật tâm.

Dạy con bằng lời: Lúc nhỏ, tôi dạy gì con cũng dạ, nghe lời, thực ra chưa chắc con hiểu. Lớn dần, tôi cũng liên tục rót vào tai con khi có dịp, nhưng con đã cãi lý lại một chút. Tôi nghiệm ra, lúc mình muốn nói thì lúc đó con chưa hoặc không muốn nghe. Miễn cưỡng thì con "chịu trận" cho mình nói, xong rồi những lời giáo huấn đó sẽ bay đi mất. Sau này tôi đã không giảng lý thuyết nhiều nữa, tập khơi chuyện để con nói (dù ít có dịp lắm), rồi đưa ra chút ý kiến, bình luận chơi chơi. Khi con hỏi, tôi mới giải thích. Tôi đã thấy rõ ràng sự khác biệt, khi con cần thì mới chịu lắng nghe và có hiệu quả rất nhiều.

Dạy con bằng hành động: Con luôn quan sát mọi hành động của tôi. Nếu tôi là người yếu ớt, hay than vãn rồi lại luôn miệng khuyên con phải mạnh mẽ, giải quyết cách này cách nọ thì con sẽ tin mình sao? Dạy con sống lương thiện mà mình không thiện, con sẽ học được gì ở mình? Nếu dạy con phải tự lập mà vẫn giặt đồ, dọn phòng cho con, liệu có mâu thuẫn không? Lúc trước con tôi còn ăn ngủ đúng giờ, mẹ con cùng giặt đồ chung..., dần dần con ham chơi, làm biếng, không theo kỷ luật nữa. Tôi đã nói chuyện nghiêm túc và thỏa thuận: Con tự giặt quần áo, đồ ăn có gì ăn nấy; con không thích thì tự nấu (tôi có dạy con nấu nướng căn bản). Tôi sẽ không theo dõi, nhắc nhở giờ giấc ăn ngủ, giặt đồ nữa. Từ đó, tôi phải cắn răng, nhắm mắt khi quần áo con bừa bộn, dơ dáy, giặt rồi không xếp. Hơn một năm tôi mới có thể hoàn toàn vượt qua được bản năng làm mẹ,không còn xót lòng khi con chưa ăn, ít ngủ... Lúc đó con đã hơn 15 tuổi, mì gói, đồ ăn vặt luôn có sẵn, chỉ là con có muốn ăn hay không mà thôi.

Quan sát, tìm hiểu về con: Con tuổi teen chưa phát triển hoàn toàn, mình cần phải học cách quan sát cho đúng, công tâm. Hãy quan sát thường xuyên nhưng đừng đánh giá, đừng nhảy vô khuyên răn hay can thiệp nếu không quá nghiêm trọng. Kỹ năng này khó nhưng rất cần trong cuộc sống và nó phụ thuộc rất nhiều vào cá tính, kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân.

Tôn trọng và thương yêu: Là hai yếu tố đặc biệt quan trọng trong các mối quan hệ. Cha mẹ Việt ít tôn trọng con cái, cả tôi cũng vậy. Khi tôi nhận ra sai lầm này và sửa chữa đã thấy ngay hiệu quả với con. Con sẽ nhìn ra được sự thật lòng, thật tâm của bạn, nếu có. Tôi đã giải thích cho con nghe, cố hết sức làm tròn bổn phận dạy dỗ, trang bị để mai này con ra riêng sống tự lập. Con không cần phải báo hiếu, cuộc sống là của con, con sẽ phải có trách nhiệm cho mọi hành động của mình. Thậm chí nếu con phạm pháp, tôi cũng không bao che. Con đã thấy tôi thực hiện dần quan niệm đó như việc giặt đồ, ăn ngủ... Tôi đã cho con dần làm người lớn theo đúng nhận thức và lứa tuổi, tập gánh trách nhiệm.

Học hành: Con đã làm tôi thức tỉnh và thay đổi về quan niệm học hành. Tôi từng đi học; hiểu điểm học, kiến thức, tính tình, kinh nghiệm, cách sống ở đâu mà ra. Con chưa định hướng được tương lai nhưng cũng nên biết cuộc sống thực tế là gì: những kỹ năng sống căn bản, giá trị tiền bạc, công việc, đối nhân xử thế... Những thứ này đôi khi còn quan trọng hơn là cả tấm bằng ở trường. Vậy học để làm gì? Không phải là cuối cùng ai cũng chỉ mong có được cuộc sống hạnh phúc? Ai cũng có nhu cầu hạnh phúc nhưng tiêu chuẩn về nó thì không ai giống ai. Tôi đã bình tâm suy nghĩ thật kỹ, quyết định sẽ không ép con học nữa. Tôi giải thích cặn kẽ rằng con không thích đi học thì đi làm; học là cho tương lai của con, không phải cho mẹ. Tôi đã luyện mình bớt quan tâm dần tới việc học của con, hơn một năm sau đã vượt qua được thử thách đó.

Áp lực: Bạn có chịu được áp lực khi con không làm theo ý mình? Sĩ diện của bạn sẽ ra sao khi người ngoài nhìn vào cười chê? Bạn có thể vượt qua được mọi thành kiến, định kiến của thiên hạ, thậm chí là nguời thân? Tôi đã đủ mạnh mẽ, đủ lý trí để đối đầu. Nếu con chỉ có trình độ cấp ba, đi làm công nhân bình thường tôi cũng không xấu hổ, đó là sự lựa chọn của con và con hạnh phúc với quyết định đó. Biết bao nhiêu bạn trẻ mơ ước được học ở Mỹ, còn con tôi thì bỏ đi cơ hội. Thoạt đầu tôi cũng đau lòng rồi khi suy nghĩ kỹ lại vui vẻ chấp nhận, nếu con muốn thay đổi cuộc sống thì sẽ đủ khả năng làm. Tôi đã không tạo thêm áp lực cho con, hiểu rằng con cũng chịu nhiều áp lực từ việc học, bạn bè, tâm sinh lý của tuổi teen... Con gần 18 tuổi, mọi việc dần ổn định hơn.

Dạy con thực sự không đơn giản, nó bắt đầu từ quan niệm sống cá nhân của bạn, rồi bạn sẽ dùng tiêu chuẩn đó mà áp đặt lên con cái. Nếu bạn không có lập trường, biết đâu sẽ dùng các tiêu chuẩn của thiên hạ mà gán lên con. Cảm ơn các bạn đã đọc, hy vọng giúp ích được gì đó cho các bậc phụ huynh có con tuổi teen. Tôi sẵn sàng chia sẻ thêm kinh nghiệm cá nhân nếu bạn nào cần.

Diệp

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top