Tôi là tác giả bài: "Mẹ chồng luôn cảm thấy tôi không biết làm dâu". Đọc các góp ý của mọi người, tôi có một số điều muốn chia sẻ thêm.

Tôi không quan trọng chuyện "môn đăng hộ đối" nhưng cũng biết nếu hoàn cảnh cách quá xa thì không nên đến với nhau vì điều đó sẽ phát sinh nhiều mâu thuẫn trong cách suy nghĩ, quan điểm sống và thói quen sinh hoạt. Tôi không nghĩ vợ chồng có quá nhiều chênh lệch, nhà tôi có khá giả hơn chút chứ không thuộc tầng lớp khác. Mẹ chồng trước khi về hưu cũng thuộc tầng lớp trí thức, có công việc làm ổn định. Nhà tôi cũng như nhà chồng, xuất thân đều từ các xóm lao động, mãi sau khi ba mẹ đi làm nước ngoài về một vài năm mới xây được nhà khang trang hơn ở khu phố dân trí cao. Tôi và chồng học chung trường đại học nhưng khác khoa, tôi đi học nước ngoài nhờ học bổng. Chồng điểm thi đầu vào đại học cao hơn tôi nhiều, rồi trong quá trình học anh bận đi làm thêm phụ mẹ nên không có thời gian cho việc học, dẫn đến không đủ điều kiện xin học bổng. Quan niệm sống của chúng tôi khá tương đồng, hai người làm hai việc nhưng có thể góp ý và hỗ trợ nhau trong công việc.

Tôi và chồng thu nhập chênh lệch rất lớn, có thể mọi người nghĩ tôi giỏi hơn, còn tôi nghĩ mình may mắn hơn mà thôi. May mắn vì mặt bằng lương của công việc tôi khá cao, lại có nhiều cơ hội, rồi có sự giúp đỡ của nhiều người trong công việc. Tôi là trụ cột kinh tế trong gia đình, chồng cũng rất cố gắng nên cũng đạt được vị trí nhất định trong công việc của anh. Tôi không nghĩ vấn đề ở chuyện "môn đăng hộ đối" mà là từ cách suy nghĩ của mẹ chồng. Từ nhỏ mẹ đã dạy anh và em trai là mọi việc phải lo cho mẹ và em gái. Anh là anh lớn trong nhà, phải có trách nhiệm với gia đình.

Mẹ chồng tôi tính rất cứng, trong nhà chỉ có em gái chồng là có thể nói ngược lại ý bà. Từ nhỏ đến lớn anh được dạy như vậy nên theo thói quen rất nghe lời mẹ và em gái, thậm chí còn có chút sợ em gái vì em khá ngang ngược. Rất nhiều việc anh làm không đúng, lý do là không hiểu và không tin rằng mẹ với em gái có thể suy nghĩ như thế. Sau này, qua rất nhiều chuyện, chồng cũng dần nhận ra nhiều việc không đúng của mẹ và em. Tôi biết anh buồn nhưng bảo anh đi nói chuyện với mẹ và em thì không được. Anh rất sợ những lúc mẹ giận dữ, khóc lóc. Mẹ cũng biết điều này nên sử dụng vũ khí đó khá thường xuyên, đến độ thành đề tài nói chuyện phiếm của mấy cậu, dì và cả các em họ chồng.

Có bạn nói mẹ chồng muốn tôi về ở để sửa nhà, tôi thật sự khâm phục bạn có thể nhìn ra việc đó, đúng là điều mẹ chồng tôi từng để cập dù không trực tiếp. Bà từng định mượn một số tiền rất lớn để sửa nhà, số tiền nằm ngoài khả năng trả của mẹ và chồng tôi rất nhiều. Lý do mượn bà nói là để sửa nhà đón dâu chứ không sửa nhà thì không làm đám cưới được. Khi chồng kể với tôi chuyện đó, tôi có hỏi anh kế hoạch trả nợ thế nào khi mẹ chỉ hai năm nữa là về hưu. Mẹ đi làm mấy mươi năm mà tiền để dành không bằng 1/10 số tiền định mượn, tiền mua nhà chung với dì là chia ra từ tiền bán nhà của ông bà. Còn về việc sửa nhà để đón dâu thì không cần thiết, chúng tôi có dự định mua nhà rồi, giờ ở tạm chung cư của ba mẹ tôi cũng được. Sau đó tôi biết chồng có nói chuyện với mẹ nhưng bà không nghe, mãi đến khi dì của chồng khuyên và thấy tôi cũng kiên quyết không về đó ở bà mới thôi.

Nhiều khi tôi cũng không hiểu lắm suy nghĩ của mẹ chồng, bà vừa muốn khoe với hàng xóm là có con dâu Việt kiều (tôi không phải nhưng bà cứ nói vậy), học cao, làm ra nhiều tiền; thế nhưng lại hay than là tôi không làm dâu, làm ra tiền nên khinh nhà chồng. Bà muốn tôi giúp đỡ em chồng, gần gũi với em chồng nhưng không muốn có bất kỳ cái gì hơn em chồng. Nếu có ai nói tôi hơn em chồng thì bà dằn vặt, khổ sở rồi tìm cách nói xấu tôi này khác. Vì khó hiểu quá nên sau này tôi cũng không muốn hiểu nữa. Tôi với nhiều người nhà chồng có quan hệ tốt, thế mà người xa cách nhất lại là với em chồng. Còn với mẹ chồng thì khi gần khi xa, dù sao bà cũng là mẹ của anh và bà của các con tôi.

Thúy

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top