Ba mẹ mất rồi, từ nay cuộc sống của tôi trở về con số không tròn trĩnh.

Gần hai năm qua tôi không theo dõi những bài viết trên VnExpress bởi thời gian đó đã cùng gia đình vượt qua những biến cố và mất mát để rồi hôm nay ngồi lại viết ra những dòng này khi chỉ còn một mình trên cuộc đời.

Tháng 7 năm 2019 mẹ phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối, khối u đã di căn đến các cơ quan khác dù trước đó mẹ khỏe mạnh. Gia đình tôi cùng nhau chiến đấu, mẹ được làm vô số xét nghiệm; mẹ sợ lắm, như đứa bé lần đầu tiêm vì 60 năm cuộc đời chưa bao giờ phải khám bệnh, xin thuốc hay nằm viện. Gia đình chỉ có ba người, ban sáng ba chăm mẹ, tối đến tôi vào viện thay, chuỗi ngày mẹ nằm viện thì tôi nằm ở hành lang bệnh viện, ngủ ngồi hay thậm chí trải chiếu dưới giường mẹ để nằm.

Mẹ bệnh, dù có bảo hiểm nhưng những chi phí khác vô cùng lớn, tiền dành dụm của gia đình có bao nhiêu đều dồn vào chữa trị cho mẹ. Hơn một năm ba chăm mẹ là từng đó thời gian ăn cơm từ thiện của bệnh viện, người bệnh đau 10 thì người nhà phải đau gấp trăm. Đau vì biết người thân này, khúc ruột này của mình sắp phải ra đi. Rồi ngày định mệnh cũng đến, gia đình phải đưa mẹ về. Ngày về nhà mẹ vui lắm, khỏe hơn một chút, hồng hào hơn. Tôi gối đầu lên lòng bàn tay mẹ, đó là giây phút ngắn ngủi cuối cùng bên mẹ, tay mẹ lạnh dần rồi rời xa tôi một cách nhẹ nhàng như vậy.

Ngày mất mẹ, cả bầu trời trong tôi sụp đổ, cạn nước mắt sau những chuỗi ngày dài gồng mình. Ấy vậy mà cuộc đời nhẫn tâm lại mang ba đi vào một buổi sáng. Nhiều ngày sau khi ba mất, tôi sống như người vô hồn, hàng xóm xung quanh giúp đỡ phần nhiều. Ngày ngày tôi ra vào tưới hàng cây cho ba, chăm chỉ nhặt cỏ ở khoảng sân cho mẹ. Ngôi nhà giờ chỉ đơn thuần là nơi che mưa che nắng, ngày 3 buổi tôi đều mở tivi chương trình thời sự, mở Internet các kênh mẹ thích, nuôi một đàn gà như mong muốn của mẹ.

26 tuổi, tôi có mọi thứ, có ba mẹ, công việc tốt và những dự định. Bước qua tuổi 27, tôi mất tất cả. Ba mẹ là mọi thứ đối với tôi, nếu có thể đổi lấy cuộc đời này để ba mẹ được sống thêm ít năm nữa, tôi sẽ đổi. Tôi thèm được về trong vòng tay ba mẹ, muốn ăn những món ăn mẹ nấu, muốn uống trái dừa ba hái, gia đình sẽ ở phòng khách xem tivi, tôi sẽ chỉ ba cách dùng trợ lý ảo Google, hướng dẫn mẹ đọc vài câu tiếng Anh. Từ khi mất ba mẹ, tôi không còn là mình nữa, chỉ còn những nụ cười gượng và những ánh mắt tránh né sự thương hại của người khác.

Hôm nay tôi trở lại Sài Gòn, dãy nhà trọ cũ đã bị phá đi, đồ đạc không dọn kịp chỉ nhờ được chị hàng xóm giữ giúp sách và một số đồ dùng. Sắp xếp lại đống sách, tôi vô tình nhìn thấy quyển nói về việc chăm sóc mẹ của tác giả người Hàn Quốc. Tôi lại ôm sách mà thẫn thờ, nước mắt rơi từ lúc nào. Nhớ lại năm 2012 lần đầu tiên lên Sài Gòn đi thi, mẹ không quen đường xá nên lúc dừng đèn đỏ mẹ con lạc nhau. Tôi vào thi mấy tiếng, mẹ đem cơm chờ, thi xong ra thấy mẹ đứng một góc ôm túi cơm, trong lòng nghĩ sau này ra trường nhất định phải mời mẹ bữa cơm đắt nhất. Lúc nhập học, ba chở đi, hai cha con chở nhau lên tận quận I; lúc nộp tiền ba rút bóp ra, chiếc bóp cũ sờn còn bàn tay ba chai sạn. Những năm học đại học, nhà khó khăn nên ba mẹ phải làm đêm làm ngày, dù vậy mẹ vẫn không cho tôi đi làm thêm vì muốn con tập trung học thật tốt.

Ra trường, bỏ qua mọi mặc cảm vì không bằng chúng bạn, tôi cố gắng tự xin được việc, đổi vài chỗ làm; đến khi tự tin có được công việc tốt thì ba mẹ lần lượt ra đi. Thứ tôi mua được gần nhất cho mẹ là cái đầm mà mẹ bảo sẽ mặc trong đám cưới tôi, còn hai lọ thuốc vẫn chưa kịp gửi về cho ba. Tối nay nằm ở phòng trọ mới, cảm nhận được sự đơn độc đến cùng cực, bao nhiêu năm sống xa gia đình đây là lần đầu tiên tôi lẻ loi đến vậy. Mọi thứ như xa lạ, tôi phải làm lại từ đâu? Hôm nay trong ví còn vỏn vẹn 14 nghìn đồng, tôi thèm được gọi điện than thở với ba mẹ như thời sinh viên mỗi lúc hết tiền. Tôi không biết tâm sự với ai những dòng này vì bản thân vốn kiệm lời, sợ những người quen sẽ nhìn mình mà thương cảm, rồi những câu hỏi han lại như cứa vào trái tim đang rỉ máu. Tôi chọn kể về biến cố này lên VnExpress, muốn một lần nhìn thật sâu vào mất mát, ở trong nó một chốc lát và khi bước ra phải thật kiên cường. Ngày mai, tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới.

Nhung

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top