Tôi và vợ không quên được chuyện cũ, cũng không kỳ vọng một lời xin lỗi hay đính chính từ cha mẹ sau những gì ông bà đã nói xấu chúng tôi.

Tôi là nam, có chị gái, từ nhỏ cha mẹ đã chia nhau chăm sóc chị em tôi. Mẹ lo cho chị còn cha lo cho tôi. Hồi còn đi làm, mẹ có phúc lợi tốt nên lo được cho chị em tôi du học, ổn định cuộc sống ở nước ngoài. Tôi và cha lại ít nói chuyện. Tôi học hết đại học trong nước rồi ra làm cho một công ty đa quốc gia. Mẹ và chị không hợp tính nhau. Mẹ qua chỗ chị chơi, chăm cháu; chị nhiều lần nói mẹ về hoặc yêu cầu góp tiền đi chợ. Mẹ và tôi lại hay trò chuyện, tôi khuyên mẹ nên về nước sống cho thư giãn. Mẹ nghĩ nuôi con lớn, ăn học thành tài rồi giờ đối xử với mẹ như vậy nên uất ức, không buông được. Chị thực ra cũng có nỗi khổ riêng, chị phải vay tiền để học. Vừa đi làm chị lại lấy chồng, sinh con, kinh tế eo hẹp. Có lẽ mẹ không hiểu được điều này nên vẫn mong chị báo hiếu để có thể "nở mày nở mặt". Lâu dần, chị xa lánh và tạo màng chắn với mẹ.

Từ khi ra trường, tôi vẫn ở cùng nhà với cha mẹ, hàng tháng sẽ dành 25-50% lương để biếu cha mẹ, chi tiền chợ và các hóa đơn. Đôi khi mẹ cần thêm tôi sẵn sàng đưa dù sau đó phải tiết kiệm ăn uống vài ngày đến một tuần trước khi hết tháng. Mẹ luôn có lý do dùng tiền nên thường không giữ được tiền lâu trong ví; cha thì ngược lại, không có nhu cầu dùng tiền, sống như một kiểu hành khất bạc đãi bản thân. Cha thích đi nhậu đến say khướt với bạn bè, sống như người độc thân không gia đình. Tôi ít nói, tôn trọng lối sống và sự lựa chọn của cha mẹ.

Có khoảng thời gian tôi gặp khó khăn trong công việc vì một khách hàng lớn đột ngột rút lại dự án. Chính lúc đó tôi nhận ra đồng tiền mình kiếm được thật khó khăn và công việc không phải dễ dàng gì. Nếu tôi không thay đổi, vài năm nữa mà bị thị trường đào thải thì sẽ hối hận vì tuổi trẻ không tích lũy được gì. Từ đây, tôi bắt đầu khuyên can cha mẹ nhiều hơn; có điều cha mẹ đã lớn tuổi, tôi lại sống chung nên họ vẫn nghĩ tôi chỉ là đứa trẻ. Những lời khuyên chân thành của tôi không đến được với cha mẹ. Có lúc quá chán nản tôi muốn ra ngoài sống riêng nhưng mẹ lại đi nước ngoài, tôi lo lắng cho ông nên ở lại. Hoặc có lúc tôi không thể tìm được sự đồng cảm với lối sống của cha, muốn dọn ra ngoài thì mẹ lại về nước xoa dịu, khuyên tôi không ra riêng.

Câu chuyện cứ như vậy đến khi hôm tôi đi công tác xa nhà nhiều tháng và tạm quên những khó khăn trong gia đình. Lúc này tôi gặp và yêu em, vợ hiện tại. Sau khoảng thời gian tìm hiểu, em chấp nhận con người tôi; kể cả việc cho đến giờ tôi chỉ đủ tiền làm đám cưới và không dư giả gì. Đám cưới linh đình thật ra không phải điều chúng tôi muốn, chỉ là vì cha mẹ muốn có dịp trả lễ bạn bè khi xưa. Tôi biết gia đình mình, muốn dọn ra riêng nhưng vợ nghĩ mới cưới nhau còn khó khăn nên sống cùng để tiết kiệm và có thể gần cha mẹ. Tôi tôn trọng ý kiến đó. Điều tôi không lường trước được là vợ không thể dung hòa với lối sống và cách dùng tiền khác biệt của cha mẹ. Tuy vậy, chúng tôi cũng vun vén để sống cùng mái nhà. Tôi nghĩ đám cưới xong không còn gì nên quyết định cắt giảm chi tiêu không cần thiết, trong đó có khoản biếu cha mẹ hàng tháng. Cha mẹ lại nghĩ đó là do vợ xui tôi giữ tiền lại, tính toán với cha mẹ. Tôi cố gắng dung hòa nhưng trong đầu đã nhen nhóm ý định ra riêng.

Thời gian qua đi, điều không mong đợi nhất cũng đến, vợ chồng tôi được chẩn đoán hiếm muộn, cần tiền để chữa trị. Tôi tự trách bản không tiết kiệm từ trước để giờ khi khó khăn không thể xoay xở. Số tiền vợ chồng tiết kiệm được sau khi cưới vẫn còn quá nhỏ so với số tiền cần để điều trị. Đó là chưa kể phải có tiền để ăn uống tẩm bổ và phòng trường hợp thất bại. Chúng tôi cưới nhau khi không còn quá trẻ nên nếu không làm bây giờ thì không còn cơ hội nữa. Tôi đã vay cha mẹ tiền, cha mẹ lại nghĩ vợ chồng tôi đố kỵ với gia đình chị gái và muốn đòi phần. Tôi chỉ có thể đưa giấy khám bệnh ra và tính cho cha mẹ xem vì sao vợ chồng không còn đủ tiền.

Trải qua nhiều ngày tháng căng thẳng, tôi lựa chọn ra riêng. Tính tôi ít nói và muốn dung hòa, nghĩ như vậy ổn hơn cả, thế nhưng mâu thuẫn gia đình giờ quá cao. Vào một ngày trước khi ra riêng, câu chuyện tiền bạc lại được đề cập, lần này vợ được mẹ tôi gán cho là tham tiền tham của và đuổi khỏi nhà. Mẹ không cho vợ tôi cơ hội giải thích. Em hiểu chuyện nhưng thẳng tính, một khi bị đuổi như vậy thì xem như đó không phải là nhà mình. Em có tự trọng, chắc chắn sẽ ra đi. Chúng tôi dọn ra ngoài, bắt đầu tích góp để điều trị hiếm muộn. Điều tôi mệt mỏi nhất chính là cha mẹ đã nói xấu chúng tôi, đặc biệt vợ tôi với nhiều người. Tôi chọn cách im lặng và tránh xa, thế nhưng trái đất tròn, những lời cha mẹ nói xấu vợ cuối cùng vẫn đến tai em. Em uất ức, nhiều lần khóc. Tôi nghĩ người phụ nữ lấy chồng đâu phải để bị như thế này.

Tôi cố gắng giải thích cho cha mẹ hiểu, cũng làm căng lên nhưng sau tất cả cha mẹ đã lựa chọn vợ tôi là "phe phản diện". Tôi biết mình không thể thay đổi thành kiến nhưng cũng không muốn nói những lời nặng nề khó nghe với cha mẹ. Tôi đã lựa chọn cắt đứt mọi kết nối với cha mẹ và những người đưa tin cho cha mẹ. Tôi nghĩ không còn chuyện gì thì vài ba hôm "chợ" cũng tan thôi. Cha mẹ lại nghĩ vợ chặn liên lạc của tôi với họ, thậm chí một người quen của gia đình còn nhắn tin riêng chửi vợ tôi thậm tệ, em lại khóc. Tôi toan nói lại người này một trận rồi chặn kết nối nhưng vợ cản. Tôi trao đổi để cha mẹ biết mọi điều nói xấu sau lưng đều sẽ đến tai chúng tôi cách này hay cách khác, hãy ngừng nói xấu vợ chồng tôi. Thời gian sau, cuộc sống chúng tôi dần ổn định.

Giờ gia đình nhỏ của chúng tôi đã đủ nếp tẻ, vợ chồng tiết kiệm mua được hai căn chung cư trong thành phố. Cha mẹ thông qua người quen tìm cách liên lạc với chúng tôi nhưng tôi từ chối trả lời. Đợt vừa rồi dịch Covid, vợ chồng tôi cũng biết cha mẹ lớn tuổi nên chủ động nhắn tin hỏi thăm. Cha mẹ trả lời rồi từ đó dần nói chuyện bình thường hơn. Có điều thực sự đối với vợ chồng tôi, những gì đã trải qua không thể quên. Tôi nghĩ người lớn khó nhất là một câu xin lỗi người nhỏ tuổi hơn mình, giờ cha mẹ cứ nói chuyện với chúng tôi như chưa từng có chuyện gì xảy khiến tôi khó xử hơn. Tôi thực sự khó xử, tôi không thể nói chuyện bình thường được. Nhưng dù sao đối với cha mẹ tôi, tôi cũng không thể im lặng mãi được. Tôi phải làm sao?

Phong

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top