Tôi viết bài này trong ngày giỗ của ba, còn bản thân đang cách xa nhà cả ngàn cây số. Lần đầu tiên sau gần 20 năm ba ra đi, tôi không có mặt trong ngày giỗ ông.
Suốt những năm qua, dù tan ca lúc 9h đêm tôi vẫn chạy xe máy vượt đèo 120 km để kịp hôm sau giỗ ba. Năm nay, tôi đành xin lỗi ông. Năm tôi 10 tuổi, ba rời xa, để lại mẹ và bốn chị em tôi. Trang trại ba để lại đủ để mấy mẹ con cứ thế nương tựa nhau. Mẹ làm nông, xinh đẹp, sắc xảo và thông minh, có điều không có tình yêu với ba và tôi. Từ khi tôi cai sữa đã ở với ba, được ba chăm sóc, tôi giống ba như hai giọt nước. Ba cũng là người duy nhất động viên, ủng hộ việc tôi đi học.
Năm tuổi tôi đã tập làm chị, mẹ sinh liên tiếp hai em, tôi và chị hai phải thay nhau lo cho hai em khi ba mẹ đi làm, ngoài ra còn nấu cơm, chăm đàn bò mười mấy con. Tôi cứ chịu những trận đòn roi đến tím hai bắp chân của mẹ mỗi lúc mẹ đi làm về mà cơm nước chưa xong hoặc khi tôi để em khóc. Có những ngày, vết bầm chưa kịp tan đã có thêm vết khác. Mẹ không đánh chị vì chị bị bệnh tim bẩm sinh và cũng cưng chị hơn. Những lúc ba mẹ cãi nhau, mẹ sẽ tiện tay vơ lấy cái chổi đánh tôi để hả giận lúc ba đi khỏi nhà. Chỉ khi có ba, mẹ mới không được động vào tôi.
Bạo hành thể xác chẳng là gì với bạo hành tinh thần khi tôi lớn lên, nhất là từ khi ba mất. Mẹ nói năng rất sắc sảo, khi mắng còn kèm ca dao tục ngữ, liên tục chì chiết rằng: "Ba tụi mày chết rồi, không còn tao hy sinh cái thân còm cõi này thì tụi mày ra đường mà kiếm ăn". Với mẹ, sự hy sinh để nuôi nấng chúng tôi dường như là gánh nặng. Mỗi lúc tủi thân, tôi chạy lên mộ ba khóc rồi lại lau nước mắt chạy về nhà, tiếp tục sống.
Tôi học giỏi, 12 năm đứng đầu khối, tốt nghiệp thủ khoa khối D của một trường đại học, nhưng bất kể khi nào thấy tôi ngồi vào bàn học là mẹ nói: "Học giỏi ở làng thì chỉ bằng cái móng tay của học sinh ở thành phố, học cho lắm rồi có đào ra được tiền mà ăn không". Giấy khen 12 năm học, tôi không bao giờ đưa cho mẹ. Những ngày tổng kết, tôi đạp xe ra mộ ba rồi cầm theo giấy khen, khoe ba xong lại về.
Năm 18 tuổi, tôi lên thành phố tự lập đến hôm nay. Tôi làm việc để kiếm sống, phục vụ nhà hàng rồi bị sàm sỡ nên xin đi làm tạp vụ, rửa chén, 1-2h sáng mới về, 7h lại lên giảng đường. Ngay khi ra trường, mức lương đầu tiên tôi nhận được đã là 20 triệu đồng chưa kể hoa hồng sau mỗi đơn hàng và thưởng. Tôi gửi tiền về trả hết nợ ngân hàng, chu cấp cho em đi học, hàng tháng gửi tiền sinh hoạt cho mẹ. Mẹ bắt đầu tham gia câu lạc bộ dinh dưỡng, khiêu vũ, tôi cũng ủng hộ. Ngoài mặt, người ta vẫn thấy tôi là đứa con gái hiếu thảo khi luôn mua quà cho mẹ, dẫn mẹ đi du lịch nhiều nơi; thâm tâm tôi thì nghĩ không làm được những điều này cho ba nên phải làm cho mẹ, cũng là để bà thôi than khóc số phận.
Những chị em của tôi tâm lý có phần lệch lạc, tôi đoán vì trải qua tuổi thơ không mấy êm đẹp. Chị tôi khổ khi lấy chồng, em gái mới lớn đã sa chân vào yêu đương không ra gì. Tôi cũng hết sức giúp đỡ, chăm sóc em với cháu mỗi khi có ai đó ốm đau, hỗ trợ tiền bạc cho em đi học. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm. Rồi trong hai năm liên tiếp xảy ra nhiều chuyện khiến tôi rời bỏ thành phố mình yêu thích, điển hình là mẹ có bồ, đòi đuổi ông ngoại gần 80 về quê cho cậu bị tiểu đường giai đoạn cuối nuôi. Em gái đậu đại học, mẹ gây sức ép, nói không có tiền, bắt em lấy chồng; tôi phải đứng ra đảm bảo chu cấp mẹ mới để em đến ở với tôi. Rồi ở chung, tôi mới biết em gái luôn nói xấu tôi với bạn trai nó để tỏ ra là người đáng thương. Tính cách em cũng kiểu muốn đòi hỏi chứ không chịu khổ, hay nói dối, bịa đặt. Mẹ liên tục đưa ra lý do này nọ để hỏi tiền tôi.
Một ngày, tôi đi khám biết mình trầm cảm, cắt liên lạc với mẹ một thời gian. Mẹ gọi hết cho bạn bè, anh em, cả người yêu cũ để nói xấu tôi, tìm cách lấy thông tin về cuộc sống của tôi. Mỗi lần mẹ nhắn tin nào là mẫu tử tình thâm, con không thể bỏ mẹ đi, rồi nhắn cho em gái tôi bảo nó giả vờ nhắc ngày giỗ ba để tôi về, gửi tiền về. Có những đêm, tôi run rẩy trong sợ hãi, mở chú Đại Bi lên đọc theo, nghe kinh để cố ngủ nhưng không được. Tôi nằm một chút là giật mình. Một ngày, tôi bỏ lại tất cả, để nhà cho em gái muốn ở thì ở, mang hai vali rồi đặt vé đi xe. Tôi nhắn cho mẹ một tin, xin tha cho con để con còn được sống tiếp.
Giờ công việc tôi thuận lợi, làm cho công ty lớn ở nước ngoài, chịu khó làm thêm cũng được 50-60 triệu đồng mỗi tháng. Tôi nghĩ sẽ đi thật xa, sống cuộc đời của mình, bản thân mệt mỏi quá rồi. Ai nói tôi bất hiếu, không lo cho em thì tôi cũng đành chịu. Tôi dự tính vẫn gửi tiền nhưng chỉ một khoản đủ và đều đặn, không muốn trở về nữa. Với tôi, ngôi nhà chỉ còn nhiều kỷ niệm đớn đau. Đời người, đúng là rất nhiều khổ đau. Tôi đọc về Phật học, chắc mình từng sống không tốt trong nhiều kiếp trước nên giờ trả nợ cho nhân gian. Có những lần tôi cố để mong đi theo ba, rồi lại nghĩ mình sinh ra để rồi chết đi vô duyên thế sao.
Tôi đăng ký hiến tạng, góp quỹ từ thiện, quyên góp sách, quần áo và đi làm tình nguyện ở vùng cao khi có thời gian. Cuộc đời đẹp xấu cũng phải sống, không có bệnh nào không chữa được, không phải lúc nào gia đình cũng là cái nôi của con người. Cảm ơn những ai đã đọc chia sẻ này của tôi, viết ra chỉ để vơi bớt nỗi buồn. Tôi cũng biết không ai giúp được mình hơn chính mình trong cuộc đời này cả. Chúc các bạn bình an, hạnh phúc.
Duyên
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 (giờ hành chính) để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment