Tôi 20 tuổi, học đại học ở Hà Nội. Tháng chín năm ngoái, tôi bị tai nạn giao thông và mất khả năng đi lại.
Bác sĩ xác định tôi sẽ phải ngồi xe lăn đến hết đời. Ban đầu tôi rất hoảng sợ, rồi được sự quan tâm, động viên và định hướng tư tưởng từ người nhà, anh em họ hàng nên dần dần cảm giác đỡ hơn nhiều. Có một vấn đề làm tôi day dứt mãi không thoát ra được. Tôi có vài người bạn học không ưa mình, nói thẳng ra là họ ghét tôi. Lúc biết tin tôi bị như vậy chắc chắn họ rất hả hê, nhưng đó chưa phải điều làm tôi khổ sở. Dù gặp biến cố nhưng tôi vẫn cố gắng suy nghĩ lạc quan, trong những ngày nằm điều trị tự đặt ra cho mình những mục tiêu, vẽ ra nhiều hình ảnh tươi đẹp trong tương lai khi thực hiện được những mục tiêu ấy.
Vừa nghĩ những điều tích cực xong tôi lại nghĩ về những người bạn ghét mình, nghĩ đến sự hả hê của họ khi nhìn mình ngồi xe lăn cả đời, họ sẽ thấy tội nghiệp tôi cho dù tôi có cố gắng thế nào đi nữa. Trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ: "Vậy mình cố gắng để làm gì"? Suy nghĩ này diễn ra trong đầu tôi vài tháng rồi, bản thân rất khó chịu, có hôm sau khi ngủ dậy tôi đã nghĩ đến những người bạn này đầu tiên. Trước khi bị tai nạn, tôi khá lạc quan, giờ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bệnh trầm cảm.
Nghiêm trọng hơn, tôi tin cuộc đời mình sẽ chịu đau khổ dù có làm gì, cố gắng thế nào đi nữa. Trong đầu tôi luôn văng vẳng câu nói: "Dù tôi có làm gì đi nữa thì bọn bạn vẫn có lý do để cười nhạo, khinh bỉ". Tôi biết những ý nghĩ này thật trẻ con nhưng không tài nào thoát ra được. Tôi phải làm sao đây?
Hà
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment