Cuộc sống là chuỗi những ngày dài khổ đau và hạnh phúc. Khi khổ đau qua đi thì hạnh phúc sẽ tự tìm đến để cân bằng cuộc sống.

Mẹ sinh ra anh trong một đêm mưa gió bão bùng như báo hiệu trước cuộc đời anh đầy giông tố. Thưở nhỏ nhà nghèo, bố tàn tật, mẹ tảo tần sương gió đi làm công nhân xa nhà để nuôi năm chị em. Mấy chị em anh làm đủ mọi việc mò cua bắt cá, quét lá, gánh nước thuê... để phụ giúp bố mẹ. Tất cả phải nghỉ học giữa chừng, chỉ có anh cố gắng học lên cao. Ngày anh đỗ đại học, cả nhà rất vui, làng xóm đều mừng cho anh vì anh là người đầu tiên của làng vào được đại học. Bốn năm học trôi qua thật nhanh với bao kỷ niệm buồn vui của một thời áo trắng.

Rồi anh gặp vợ như một trò đùa của số phận. Ngày đó vợ anh chỉ là cô bé sinh viên trường sư phạm xuống Hà Nội học, nhu mì và ít nói. Sau hơn một năm tìm hiểu, yêu nhau, cả hai thành vợ thành chồng và có thêm một bé trai xinh xắn, kháu khỉnh.

Sóng gió gia đình bắt đầu nổi lên từ khi hai cô em vợ anh xuống học đại học dưới Hà Nội. Cuộc sống thành thị hào hoa, đầy cạm bẫy vật chất đã khiến hai chị em đánh mất mình, trượt dài trong lối sống hưởng thụ. Vợ anh nghe lời em gái cũng đua đòi, bỏ bê con cái và gia đình, không còn như ngày đầu nữa. Mặc cho anh can ngăn và khuyên bảo, cô ấy vẫn bỏ ngoài tai. Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng gia tăng, không sao hàn gắn được. Đỉnh điểm là khi vợ anh đưa đơn ra tòa đơn phương ly hôn. Anh cay đắng chấp nhận tất cả và giành được quyền nuôi con.

Ngày ấy, bố anh mất đi, con còn nhỏ xíu, công việc lại chưa ổn định. Những lúc con sốt cao, một mình anh bế con vào bệnh viện mà không có ai bên cạnh. Nhiều khi công việc cơ quan buộc anh phải đi làm sớm, con ôm chặt lấy anh không rời, cả hai bố con đều khóc. Đêm đêm, nhìn con yên bình trong giấc ngủ mà lòng anh đau nhói, nước mắt cứ chảy ngược vào tim. Con như biết được hoàn cảnh của mình, chẳng bệnh tật gì, cứ lớn lên như cỏ dại hoa đồng. Hai bố con quấn quýt với nhau. Anh chẳng nề hà, làm đủ thứ việc để có tiền nuôi con. Anh bảo có cực nhọc, vất vả, khốn khó đến mấy cũng không bao giờ rời xa con.

Thương con, anh lặng lẽ vươn lên, thôi việc cơ quan, về tự kinh doanh để có thời gian chăm sóc con nhiều hơn. Anh vừa là một người cha, vừa là một người mẹ, một người thầy của con. Hàng ngày, sau những giờ làm việc, anh lại nhanh chóng trở về với con. Chỉ cần nhìn thấy con là bao nhọc nhằn trong anh tan biến. Tối tối, anh dạy con học bài, hai bố con lại tíu tít bên nhau. Con giờ cũng lớn hơn, ngoan hiền, hiếu thảo, đã biết phụ giúp anh công việc gia đình.

Hạnh phúc nhất của anh là lúc được ở bên con và những khi đi làm từ thiện. Anh bảo đời mình đã khổ nhiều rồi, hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương và đem lại nụ cười trên môi mọi người. Anh hiểu rằng trái tim mình giờ đây không còn lành lặn như trước nữa mà gai góc, xù xì, chằng chịt những vết thương bởi bao lần cho đi rồi không được nhận lại. Nhưng trái tim ấy ngập tràn ánh nắng, đẹp hơn bao giờ hết vì có dòng máu của bao người trên mọi miền đất nước chảy vào và những mảnh đời bất hạnh cùng chung nhịp đập.

Nhiều người khuyên anh bây giờ mọi thứ đã ổn rồi nên đi thêm bước nữa, dẫu sao có người phụ nữ bên cạnh cũng đỡ cực nhọc hơn. Anh biết điều đấy. Liệu ai có đủ bao dung, rộng lượng để chấp nhận người đàn ông gà trống nuôi con như anh. Anh bảo anh vẫn mở lòng để tìm tri kỷ nhưng chắc khó lắm. Anh chấp nhận hết những khó khăn mình đã vượt qua, không oán trách, không ca thán, không hận thù. Cuộc đời anh vốn lận đận nhưng anh luôn cười hiền hòa và thanh thản như thế.

Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng. Chỉ có những con sông sâu biết hạ mình xuống thì trăm vạn con sông con suối khác mới róc rách chảy về. Lúa cũng vậy. Khi lúa còn xanh, lúa ngẩng cao đầu chót vót và thường tự vỗ ngực xưng danh để khẳng định mình nhưng bên trong bông lúa mới thơm mùi sữa. Càng về sau, trải qua những mưa nắng bão bùng, cây lúa ấy mới trưởng thành và không còn bốc đồng như trước nữa. Lúa lúc ấy mới thực sự là lúa, cúi đầu nhưng đã tích lũy đủ chín bên trong.

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top