Tôi là tác giả bài: “Bao năm tôi vẫn không thể khiến mẹ chồng hài lòng”, xin cảm ơn những chia sẻ của các bạn.
Khi ra riêng lần đầu, chúng tôi chưa có đủ tài chính để mua nhà, tôi tính đi thuê nhưng ông bà và chồng đều muốn vợ chồng chuyển qua sống ở một phần căn nhà của ông bà đang cho thuê, gần nhà bố mẹ chồng. Sau đó ba mẹ chồng có nhà lớn hơn, chồng kiên quyết bảo tôi phải quay về sống chung. Con còn rất nhỏ, tôi không muốn đổ vỡ nên phải chuyển về sống chung theo ý chồng.
Hơn 10 năm, có hơn ba lần vì những va chạm mà không khí gia đình ngột ngạt, tôi muốn vợ chồng chuyển ra ngoài sống, anh không đồng ý. Có lần anh nói sẽ thuê nhà cho ba mẹ con ở, anh đi đi về về chứ không thể bỏ ba mẹ được, ông bà có tiền sử về bệnh tim mạch. Tôi thấy như thế chẳng khác nào vợ chồng ly thân nên không thể dọn ra riêng. Chữ hiếu mà bố mẹ chồng đặt vào đầu chồng tôi rất nặng, anh không thể vượt qua được. Công việc của tôi nhiều áp lực, mỗi ngày chỉ muốn được về chốn bình yên, nhưng những khi gia đình ngột ngạt, căng thẳng kéo dài, mỗi khi tan làm tôi đã không muốn về nhà. Đi từ nhà đến cơ quan, tôi thường suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống chung, tại sao mình phải sống thế này. Thật tâm tôi rất sợ đổ vỡ nên luôn cố gắng để con cái có một gia đình trọn vẹn.
Lần này, khi ông bà bắt lỗi chuyện tôi dạy con thế này thế kia, ông đã nói: "Ai cần ở đây đâu, tài sản là xương máu của người ta. Con tôi trước đây tôi nuôi dạy rất kỹ, đâu có như thế, sao bây giờ lại vậy"? Tôi lùng bùng lỗ tai, không nghe nổi nữa. Câu nói này như chạm vào giới hạn cuối cùng về sức chịu đựng của tôi. Tôi nói với chồng, anh không đi thì ba mẹ con tôi đi. Vì thế anh mới đồng ý chuyển ra ngoài sống. Trước đây chồng cũng không đồng ý chuyện mua nhà gần chỗ ông bà, anh biết rõ tôi rất muốn được sống độc lập, có nhà riêng gần đấy tôi sẽ đòi chuyển ra riêng sống.
Còn về chuyện tài sản: Thật lòng mà nói, tôi cũng tạo ra được tài sản nên không quá quan tâm đến chuyện chồng có thừa kế sau này. Do tôi làm trong ngành tài chính, thủ tục giấy tờ cũng có sự hiểu biết nhất định, lại là cấp quản lý nên trong suy nghĩ ông bà luôn lo sợ con dâu sẽ lừa lấy mất tài sản của nhà chồng. Trong suốt thời gian sống chung, dù không ít lần chịu ấm ức nhưng tôi chưa bao giờ được nói ra cảm nhận của mình về cuộc sống chung.
Ngay cả lần này, khi xin phép dọn ra ngoài sống cũng vậy, chồng sợ tôi nói ra một cách thẳng thắn sẽ khó quay về thăm hỏi, chạm mặt nhau. Cuối cùng tôi chỉ xin lỗi ông bà và xin phép được ra ngoài sống. Mặc dù vậy, mẹ chồng luôn cho rằng bà bị tôi ăn hiếp. Một vài lần bà đã nói với chồng tôi về điều đó. Có thể anh hiểu tính mẹ nên chưa lần nào gặng hỏi tôi đã làm gì mẹ. Anh từng chia sẻ, tính mẹ rất khó và hay nói quá, chuyện gì bà kể nên giảm trừ 1/3 là vừa.
Có bạn nói, khi bố mẹ dạy bảo, mình không nên cho đó là bắt bẻ. Tôi đồng ý. Như bố mẹ ruột tôi, con cái sai thì la mắng, dạy bảo, xong rồi thôi, vẫn ăn cơm chung, không giận hờn nhiều ngày. Còn với mẹ bố mẹ chồng, chúng tôi làm không vừa ý chuyện gì là ông bà giận hờn nhiều ngày, không ăn cơm chung, không nói chuyện, hỏi không muốn trả lời hoặc trả lời rất khó chịu. Cứ như thế nên không khí gia đình tôi ngột ngạt kéo dài.
Tôi hiểu mẹ chồng là người hiền lành, tốt bụng, rất thương con cháu, chỉ là tính bà quá khó, lại thêm ít giao tiếp bên ngoài nên suy nghĩ rất cực đoan, bảo thủ, thiếu sự cởi mở để thấu hiểu con cái. Bao năm nay, không ai nói ra để bà (cả ông nữa) hiểu rằng xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều rồi. Tôi cũng hiểu vì tính như vậy nên chắc chắn mẹ chồng cũng rất khổ sở vì tôi, bà cũng chịu đựng tôi chứ không riêng tôi chịu đựng bà.
Giờ tôi được sống riêng rồi, dù bị mang tiếng phủ nhận công giúp đỡ của ông bà khi con còn nhỏ nhưng tôi nghĩ thời gian trôi đi, mọi chuyện sẽ dần lắng xuống. Tôi sẽ tiếp nhận lời khuyên của các bạn, tập trung vào cuộc sống của gia đình nhỏ hơn. Một lần nữa xin cảm ơn các bạn.
Ngọc
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment