Tôi 29 tuổi, chồng 30 tuổi, cả hai cùng quê, đang làm việc tại Bình Dương. Tính tôi thẳng thắn, không thích xu nịnh, nghĩ thế nào sẽ thể hiện như vậy.

Tôi làm kế toán trưởng, chồng làm bảo trì máy móc, lương chính của tôi gấp đôi lương chồng. Chúng tôi kết hôn được năm tháng, nhà ở còn nợ 2/3 giá trị đang trả góp, còn 1/3 giá trị đã thanh toán có phần của mẹ chồng và chồng tôi trong đó. Mẹ chồng là giáo viên dạy Văn cấp 3, về hưu; bố chồng bị tâm thần đang ở trong viện; anh trai chồng ở quê có bằng cao đẳng, làm công nhân đứng máy 12 tiếng mỗi ngày, lương tháng 10 triệu đồng. Bố mẹ tôi ly dị nhau, một mình mẹ nuôi 5 người con gái, tất cả đã lập gia đình và có nhà cửa đầy đủ tại Bình Dương, Bình Phước.

Tôi về đúng dịp dịch bệnh nên hai tháng chồng không có việc làm, mình tôi lo mọi chi phí sinh hoạt và trả nợ ngân hàng trong thời gian đó hết gần 60 triệu đồng. Nếu anh có công việc ổn định thì lương đủ chi trả tiền nhà và sinh hoạt đơn giản hàng ngày, tiền của tôi sẽ dùng cho những việc như hiếu hỉ, thăm hỏi, ăn uống ngon lạ.

Mẹ chồng có lương hưu nhưng tôi không hỏi đến, thậm chí mấy tháng đầu vẫn cho thêm bà tiền dù bà chẳng đi đâu và chẳng cần tiêu gì. Chỉ có thời gian chồng không có việc làm là tôi phải lo hết nên không đưa cho bà nữa. Ngoài quê em họ của anh bị bệnh tôi cũng gửi mấy triệu đồng về hỏi thăm (tiền đó hoàn toàn của tôi chứ chồng lúc đó chưa đưa tôi giữ đồng nào) hoặc tôi gửi cho anh ruột của chồng để mua đồ cho cháu.

Hai tháng đầu về làm dâu, tôi nhẫn nhịn và chấp nhận lối sống của mẹ chồng. Tuần đầu bà gây sự, chửi bới anh hai lần để dằn mặt tôi. Bà đập nồi, đập bát, bắt chồng tôi xin lỗi, nếu không sẽ phá nát nhà và gây sự đến khi vợ chồng tôi không thể sống với nhau được mới thôi. Rồi bà so sánh tôi với hàng xóm: "Mẹ nói con nghe này, lương con bé hàng xóm cao gấp đôi con nhưng bố mẹ chồng, em chồng lên ở 10 bữa nửa tháng nó vẫn chăm sóc chu đáo tận tình", "Tính nết con chỉ bằng 60% dâu trưởng". Tôi đi làm về chào bà khi bà đang nói chuyện với người ở nhà đối diện, bà lại bảo: "Cũng giống như hôm nay, con đi làm về không chào mẹ, hàng xóm thấy con về họ nói con dâu bà về kìa, bà về chào con dâu bà đi". Tôi khóc và phản đối bà vì rõ ràng mình có chào mà.

Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, vợ chồng tôi mới biết lý do vì một chuyện cách đó vài hôm. Hôm đó, chồng hứa sẽ nấu cho tôi ăn, tôi về thì anh đang ngoài vườn nên tôi vào nấu. Mẹ chồng bảo để bà nấu cho, tôi cũng thật thà nói: "Hôm nay anh hứa nấu cho con ăn nên mẹ cứ để anh nấu. Nếu anh không nấu mà mẹ nấu thì con không ăn". Vậy mà bà ghim lại trong lòng và tìm cách gây sự, chửi bới, đập phá hai lần trong một tuần đầu tiên tôi mới về.

Rồi chồng tôi đi làm ba tại chỗ được 3 tuần tới đầu tháng 8. Khi đó Bình Dương dịch bệnh phức tạp, vậy mà năm lần bảy lượt bà phớt lờ mong muốn của con cái và vẫn dạy học. Trong ba tháng giãn cách, con cái nói nhẹ nói nặng rằng bà ngưng dạy nhưng không được. Bà còn hăm dọa tôi: "Mi muốn gia đình đoàn kết thì đừng gọi vô mách chồng mi là tau vẫn dạy học, còn muốn mất đoàn kết thì cứ việc gọi". Khi nghe tôi nói bản thân dễ bị bệnh vì yếu, bà bảo: "Đứa yếu thì ở nhà cũng bị, đứa khỏe có đi khắp nơi cũng không sao, con người sống chết có số. Tao sống tới 62 tuổi được rồi, sống làm gì nữa cho khổ".

Mẹ chồng còn yêu cầu tôi mỗi lần rửa đồ ăn thì phải múc nước thải trong bồn rửa ra chậu rồi đem ra xô phía sau nhà cho bà để bà tưới rau. Tôi nói con phải đi làm rồi tranh thủ về nhà nấu ăn cho sớm, nếu cứ rửa xong một lần rau rồi dùng tô múc ra chậu và đem ra xô đổ thì không có thời gian, con còn phải dành thời gian để nghỉ ngơi. Tôi xét thấy làm vậy một tháng cũng chỉ tiết kiệm được 10 nghìn đồng, sẽ không làm theo yêu cầu của mẹ được. Nếu là chủ nhật tôi vẫn múc ra cho bà chứ không hoàn toàn mở nắp cho nước chảy hết. Trời tối bà không bật điện mà cứ cặm cụi thái rau, tôi làm xong việc xuống thấy nên nói bà bật đèn thì bà bảo quen rồi. Tôi nói thêm rằng tối vậy con chịu không được, bà lại nói tôi sống trong nhà này thì phải tập cho quen với việc sống trong bóng tối.

Bà còn tra soát xem tôi đi chợ mua đồ đó bao nhiêu tiền, hỏi rất nhiều lần dù vợ chồng ý kiến rằng trong này mua đồ giá cả chung rồi, mua xong còn về nhà chứ ít khi để ý giá cụ thể, vậy mà lần sau bà vẫn hỏi khiến tôi cáu. Bà yêu cầu tiền điện nước hàng tháng phải báo cáo, chồng tôi trước đây không nói nên khi tôi về bà kể rồi chửi anh.

Mẹ chồng còn có tính hai mặt, trước mặt chồng tôi bà nói khác, sau lưng lại khác. Những từ nào bà nói với tôi mà không có anh là đến khi tôi nói lại với anh sẽ bị bà chối và đổ điêu cho tôi. Bà đi ra ngoài nói chuyện đúng bản chất là giáo viên dạy Văn, còn ở nhà mà bực tức là bà chửi như dân chợ búa. Trước giờ tôi không ý kiến gì về sinh hoạt của bà, chỉ có chồng hay càu nhàu vì bà ở nhà mà nhà cửa không sạch sẽ. Có lần bà bỏ cơm thiu vào nồi cơm điện (trong khi cơm đó tôi đã bỏ ra rổ), tôi chỉ hỏi bà chuyện đó mà bà lại bảo tôi chửi bới. Bà cho rằng tôi kiếm chuyện, đôi bên lời qua tiếng lại. Khi biết tôi ghi âm lại cuộc nói chuyện đó bà mới thôi. Bà bảo chuyện trong nhà không cần người ngoài biết, thế nhưng hễ hai mẹ con cãi nhau là bà mở cửa thật to rồi ra trước cửa ngồi chửi, rồi kể cho hàng xóm nghe.

Việc mâu thuẫn trong cách sinh hoạt tôi có thể điều tiết nhưng không đồng ý với chuyện mẹ chồng coi tôi như người được hưởng thụ thành quả của bà, nhà của bà, rồi muốn mọi việc trong nhà tôi đều phải có trách nhiệm. Bà chưa bao giờ nghĩ đến áp lực công việc tôi đang làm, còn hối tôi sinh con trong khi sức khỏe yếu và dịch bệnh phức tạp. Tôi không biết liệu những mâu thuẫn kể trên khiến bản thân rời khỏi ngôi nhà được cho là của bà có quá vội vàng? Tôi rất ghét người ăn không nói có. Xin quý độc giả cho lời khuyên. Chân thành cảm ơn.

Ngọc

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 (giờ hành chính) để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top