Chúng tôi cưới nhau khi tôi 25 tuổi, vợ 24 tuổi, nay con trai lớn 18 tuổi và con gái 13 tuổi.
Giờ tôi 43 tuổi, là kiến trúc sư, vợ trước kia làm nhân viên cho một bưu cục nhỏ. Đi làm được hai năm, từ khoản tiết kiệm của tôi cùng với sự giúp đỡ của bố mẹ hai bên, chúng tôi mua được căn nhà nhỏ tại ngoại thành Hà Nội và ở riêng ngay sau khi cưới nhau, xa cả hai bên nội ngoại.
Chúng tôi có con luôn nên vợ phải nghỉ ở nhà nội trợ, chăm con, gánh nặng kinh tế mình tôi xoay xở. Mức lương của tôi trung bình hàng tháng 20-25 triệu, đưa vợ giữ. Tôi hết lòng thương và cưng chiều vợ con, hơn nữa nghĩ mình thường đi làm xa, vợ cũng vất vả và thiệt thòi nhiều nên tôi thoải mái trong vấn đề tiền nong, không bao giờ hỏi vợ chi tiêu như thế nào, thích ăn uống hay mua sắm váy áo gì tùy thích. Do công việc hay phải đi xa nên những lúc được ở bên gia đình tôi dành phần lớn thời gian ở nhà, phụ vợ việc nhà như giặt giũ, nấu cơm, rửa bát..., không nề hà việc gì.
Nói về vợ tôi, khá ổn từ ngoại hình đến nội trợ, chăm sóc con cái, duy có việc chi tiêu là hơi phóng túng. Với mức lương như tôi nói trên, tháng nào hết tháng đó, tôi nói vợ phải biết vun vén, tiết kiệm phòng khi cơ nhỡ, thế nhưng vẫn không thay đổi được thói quen chi tiêu của cô ấy. Khi tôi không đưa lương nữa và đề nghị sẽ giữ tiền, vợ lại nói vì gia đình, con cái mà phải nghỉ việc, không làm ra tiền, ăn bám chồng nên giờ tôi tính quản lý vợ sao. Vợ chồng lại cãi cọ, giận dỗi, tôi lại nhượng bộ.
Có lẽ do tôi chiều vợ và dễ nhượng bộ quá thành ra cô ấy dần trở lên lười biếng, coi tôi như cái máy đa năng trong nhà vậy. Khi con đã lớn, vợ cũng không biết cố gắng, san sẻ gánh nặng kinh tế cùng chồng. Tôi nói khéo vợ kiếm việc làm, cô ấy bảo nghỉ lâu rồi giờ đi xin việc cũng ngại và lương chẳng ra sao; tôi hay đi làm xa, vợ sẽ ở nhà bán hàng online. Nói thật tôi chẳng biết một tháng vợ có kiếm nổi 3 triệu đồng.
Lâu lâu có người rủ tôi sáng chủ nhật ngồi cà phê chút thì chỉ lúc sau vợ đã gọi điện cằn nhằn rồi kêu về. Bạn bè hoặc hàng xóm cuối tuần rủ nhậu mà vợ cũng không muốn cho đi, dần dần tôi mất hết bạn bè. Tôi làm xa, vợ căn tính chi li nào tiền xăng xe, tiền ăn uống, điện thoại để đưa vừa đủ theo tuần hoặc tháng. Lâu lâu đồng nghiệp tổ chức giao lưu nhân dịp nào đó cần đóng góp, tôi hỏi lấy thêm là vợ tỏ thái độ không vui, kêu tốn tiền. Vậy mà gần 20 năm qua, ngoài việc chi tiêu hàng ngày và sắm sửa vật dụng gia đình, phương tiện đi lại (xe máy), tất cả đều là đồ bình dân thì vợ chồng tôi chẳng tiết kiệm được là bao.
Các con tôi đều ngoan, học giỏi, lễ phép với mọi người xung quanh, nhưng tình cảm đối với tôi thì chúng có vẻ hờ hững. Các con khá lớn rồi vậy mà bố đi làm xa cả tháng không về cũng chẳng thấy chúng gọi điện hỏi thăm hay nói nhớ bố, chỉ có tôi gọi về gặp con, nói được vài câu chúng quay ra xem tivi hoặc đùa giỡn. Trong khi tôi thường xuyên dạy bảo các con phải biết thương yêu, sống có trách nhiệm, có tình cảm với gia đình, người thân. Nhiều lúc cảm thấy buồn, tâm sự nói vợ rằng ở nhà phải thường xuyên chỉ dạy con thêm, vợ lại bảo con còn nhỏ chưa hiểu hết được, trách con làm gì.
Nói nhiều không cải thiện được là bao, vì muốn gia đình yên ấm hòa thuận nên tôi đành nhịn và bỏ qua chứ thú thật cảm giác mình như cái máy, chỉ biết phục vụ vợ con mà không được quan tâm, chia sẻ, thư giãn, giao lưu gì hết. Nửa cuộc đời rồi mà tôi vẫn long đong lo cơm áo gạo tiền, nhiều lúc cảm thấy chán nản, muốn buông xuôi hết, chứ cứ giữ trong lòng rất mệt mỏi.
Cách đây vài tháng, thấy nhà cửa xuống cấp, tôi bàn với vợ sửa lại. Vợ bảo chỉ có vài chục triệu, lương đủ ăn, anh vay mượn được ở đâu thì làm. Buồn chán quá với câu trả lời của vợ nên trong lần đi nhậu cùng vài đối tác ở công ty ngày cuối tuần, tôi đi xông hơi, massage lành mạnh. Khi về nhà, mùi đặc trưng ở phòng xông hơi vẫn còn, vợ tra khảo tôi đi đâu, với ai, gái gú hả? Trong lúc bực tức tôi trả lời cộc lốc: "Bực bội, bức xúc quá, đi để các em xinh tươi massage cho thư giãn". Vậy là cô ấy gào khóc, làm ầm lên đòi ly hôn. Vợ chồng chiến tranh lạnh, hờn dỗi mấy tháng nay. Thực sự tôi quá mệt mỏi với cách xử sự của vợ nhưng không muốn gia đình ly tán. Có ai giống hoàn cảnh tôi không, phải làm sao đây?
Khải
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment