Tôi đã bình an sau bao nhiêu đổ vỡ. Cuộc hôn nhân của tôi kéo dài 18 năm, cộng 5 năm yêu trước cưới mà cuối cùng vẫn rẽ ngang.

Khi báo chí đưa tin một ông tỷ phú ly hôn, tôi lên mạng xã hội và thấy rất nhiều người đăng status với nội dung: "Nhiều tiền để làm gì?", "Thành công để làm gì?", tôi chợt thấy xót xa vì quanh thành phố nhỏ bé đang sống mọi người nói tôi bằng những cụm từ đại loại như thế.

Phải chăng chúng ta đang định kiến rằng ly hôn chính là sự thất bại hoàn toàn trong cuộc sống, cho dù bạn có thành công như vợ chồng ông tỷ phú kia? Có lẽ nào vì định kiến của xã hội này mà bao người phải chịu đau khổ trong hôn nhân nhưng không dám thoát ra, không muốn bứt phá, rồi trở nên u uất, trầm cảm, thậm chí mất khả năng bảo vệ bản thân và con cái. Tôi đã mắc sai lầm khi để cuộc hôn nhân không hạnh phúc kéo dài quá lâu.

Khi hôn nhân tan vỡ, chắc chắn chẳng ai muốn thế, nhưng tôi cũng tin những người trong cuộc biết đó là quyết định thích hợp nhất cho gia đình họ. Xin nói lại, là quyết định thích hợp chứ không phải đúng hay sai. Như vậy, chúng ta vì sự vô tình hoặc vì đố kỵ mà cứ vô tư mặc định đó là sự yếu kém, thất bại trong cuộc sống thì có thấu đáo không? Tại sao cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là phụ nữ chỉ gói gọn trong hai chữ "gia đình"; vùng quê vẫn còn rất nhiều quan điểm rằng: "Con gái lớn lấy chồng là coi như xong"?

Ngày tôi làm đơn gửi tòa có bao nhiêu người hỏi: "Sao không giữ hạnh phúc", "Sao không tha thứ để giữ gia đình cho con", "Kiếm tiền để làm gì"... Tôi gần như chỉ mỉm cười cho những câu hỏi như thế, ngay cả chồng cũng vậy, 18 năm chung sống anh đổ tất công việc, trách nhiệm mà lẽ ra một người chồng phải làm lên vai vợ. Anh mặc nhiên sống, hưởng thụ mà không hề có chút áy náy hay tự trọng. Cho đến khi tôi đệ đơn anh lại thốt lên: "Anh ước quay lại ngày xưa khi vợ chồng còn nghèo nhưng hạnh phúc". Mà có lẽ anh vô tư hạnh phúc thật nên không hề phát hiện vợ mình đang gồng mình lên vì tất cả. Anh không phát hiện ra vợ bao lần nuốt nước mắt mà sống, không biết cả trăm lần vợ tỉ tê to nhỏ để anh cùng san sẻ gánh nặng gia đình.

Rồi một ngày tôi phát hiện ra anh ngoại tình thì tất cả đã chạm ngưỡng. Tôi rời bỏ anh thật nhẹ nhàng, không chọn giữ hạnh phúc vì nó có gọi là hạnh phúc đâu mà giữ. Tôi không còn giữ gia đình vì nó không còn là "tổ ấm" nữa. Tôi không tha thứ vì phải chăng sự tha thứ này là vị tha, bao dung, là sự hy sinh nhẫn nhịn mà xã hội đã gán lên cho phụ nữ Á Đông? Hay sự tha thứ này là dung túng cho những điều sai trái lên ngôi? Con tôi học được gì từ sự dung túng cho cái sai từ phía mẹ nó?

Kết thúc một cuộc hôn nhân, điều chúng ta nên tập trung là những đứa con, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng nếu cứ đặt mục tiêu cuối cùng là làm sao tránh gây tổn thương cho con nhất thì ta sẽ có cách hành xử đúng mực. Định kiến xã hội cho rằng những đứa con trong gia đình ly hôn sẽ dễ hư hỏng hơn? Tôi không biết kết luận này có được thống kê không và nó được thống kê như thế nào, ở đâu; có điều nó làm khá nhiều người lung lay rồi quyết định giữ hôn nhân vì con. Rồi tôi quan niệm con chỉ hư hỏng khi cha mẹ, ông bà, thậm chí cô dì chú bác đem cháu ra để làm vũ khí mà công kích, lợi dụng và ép buộc nhau. Tôi cũng thấy xót xa khi lâu lâu đọc mục Tâm sự có những đoạn ghi rằng: "Tôi chịu đựng vì con", tại sao chúng ta để con cái gánh cái hậu quả nặng nề từ cha mẹ, gánh cái trách nhiệm mà lẽ ra cha mẹ chúng phải làm? Sao chúng ta không đặt câu hỏi: "Liệu chúng có hạnh phúc và phát triển bình thường không khi sống trong một gia đình đầy những năng lượng tiêu cực"?

Kiếm tìm hạnh phúc là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người, nếu hôn nhân đã quá nhiều bế tắc thì ly hôn là một sự kiếm tìm hạnh phúc mới cho các thành viên trong gia đình. Khi hôn nhân trên bờ vực của sự đổ vỡ, ta chỉ cần phân tích một yếu tố: giữ để hạnh phúc hay giữ để khổ đau? Sau đó mỗi cá nhân hãy đưa ra quyết định, thật ra chẳng có công thức nào cho hạnh phúc, vì thế đừng ai phán xét khi thấy gia đình nào đó tan vỡ. Ta không ở trong hoàn cảnh của người khác thì đừng phân tích gì, đúng sai nó chỉ là một góc nhìn từ cách sống và quan điểm sống của chính mình mà thôi.

Sau sự thất bại hôn nhân luôn có một khoảng lặng để chúng ta biết cách làm cho mình hạnh phúc. Những ông bố bà mẹ đơn thân hãy cố gắng sống tích cực hàng ngày, truyền năng lượng cho con bằng bất cứ giá nào để những định kiến xã hội không còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của ta và con chúng ta. Chúc mọi người luôn hạnh phúc.

Hằng

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top