Đọc bài: “Hối hận vì đã tố giác đồng nghiệp trộm tiền của tôi”, tôi như thấy mình trong cô đồng nghiệp, bật khóc khi nghĩ lại khoảnh khoắc ấy.

Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, tuổi thơ thiếu thốn đủ bề, hay bị bố la mắng và đánh dù chỉ vô tình gây ra lỗi lầm nhỏ. Bố lúc đó không có việc làm ổn định, mẹ buôn gánh bán bưng "dầm mưa giãi nắng" kiếm tiền nuôi chị em tôi ăn học. Tôi thương mẹ, không muốn làm mẹ thêm lo lắng, từ khi còn nhỏ đã suy nghĩ như vậy. Năm 2007, tôi học lớp 6, nhà vẫn nghèo; để mua cho chị em tôi đủ sách giáo khoa đi học, mẹ phải gom tiền từ vài tháng trước khai giảng mới đủ, còn quần áo không lo tươm tất được.

Có một lần, tôi mất sách giáo khoa môn Anh, không hiểu do quên hay bị ai đó lấy, cuốn sách đó có giá 7 nghìn đồng. Ngày ấy mẹ thường cho tôi một nghìn đồng ăn sáng, không cho tiền tiêu vặt khi đến trường. Vì không dám nói với mẹ việc mất sách, sợ mẹ nói lại với bố là sẽ bị ăn đòn do không bảo vệ đồ dùng cá nhân, tiết học Anh lại cận kề nên hôm sau lên lớp tôi đã lấy cắp cuốn sách của bạn ngồi cùng bàn. Tôi bọc cuốn sách bằng giấy nhám, mong bạn không phát hiện ra nhưng bạn vẫn biết và tố giác tôi trước cả lớp. Lúc ấy, cô giáo hỏi vì sao tôi làm thế, tôi cúi gằm mặt không nói gì, xấu hổ vô cùng, chỉ chực khóc. Sau đó tôi trả lại sách cho bạn, cô giáo cũng nói cả lớp không được để lộ việc này ra ngoài, ai để lộ sẽ bị cô xử phạt. Rồi cô cho tôi 7 nghìn đồng để mua cuốn sách giáo khoa Anh khác.

Trong lớp có nhiều bạn ở gần nhà tôi, các bạn ấy sau đó chỉ học đến lớp 9; có bạn ngoại hình rất xấu xí không ai chơi cùng, có bạn do hoàn cảnh gia đình nghèo khó như tôi nên không thể học lên được. Các bạn biết chuyện tôi lấy cắp sách nhưng không nói gì với mẹ tôi. Từ sau câu chuyện cuốn sách Anh ấy, tôi không bao giờ lấy cắp thứ gì của ai nữa, dù có khó khăn tôi cũng tìm cách xoay xở và vượt qua. Chính những trải nghiệm đó đã hình thành nên tính cách sau này của tôi trong tình cảm, không tranh giành tình yêu với người khác, không lấy những thứ không phải của mình.

Khu nhà nghèo tôi ở chỉ có chị em tôi được học đến đại học, riêng tôi học hai trường. Nhờ cuốn sách giáo khoa Anh năm ấy của cô giáo mà tôi đã yêu thích môn Anh, giờ thành thạo hai ngoại ngữ (không bao gồm tiếng mẹ đẻ), làm trưởng phòng nhân sự trong một tập đoàn đa quốc gia. Giờ tôi có tiền, có chút địa vị cũng không thể quên những người bạn nghèo cũng là hàng xóm của mình năm xưa. Dù họ học ít hơn tôi, chỉ lao động chân tay, công việc bấp bênh, tôi vẫn trân trọng và quý mến họ. Đối với tôi, tấm lòng nhân hậu và biết nghĩ cho người khác của họ khi chỉ là đứa trẻ 12 tuổi cao quý hơn học vấn, tiền bạc. Họ vẫn luôn ngưỡng mộ về sự thành công của tôi, có điều không ai biết trong lòng tôi chứa đầy sự cảm kích, mang ơn vì điều đó.

Nhờ họ giữ kín chuyện, mẹ đã không phải buồn phiền vì hành động của tôi, tôi cũng không bị ảnh hưởng gì trên đường đời sau này. Nếu lúc ấy họ không giữ lời, có lẽ đã không có tôi ngày hôm nay. Do từng trải qua những tháng ngày khó khăn dẫn đến làm liều ấy, tôi có sự đồng cảm nhiều hơn mỗi khi thấy ai đó khó khăn hay có vướng mắc. Tôi hỏi han, tìm cách giúp đỡ họ trong khả năng bằng tiền bạc và tinh thần; luôn cho người khác con đường lui, cũng là cho mình con đường sống. Nhờ những điều ấy, tôi đã có thành công nhất định trong công việc quản lý con người.

Qua câu chuyện của mình, tôi muốn nhắn nhủ các bạn: Trước khi làm gì có liên quan đến người khác, hãy suy nghĩ, tìm hiểu thật kỹ những uẩn khúc của họ. Nếu có thể, sống bao dung hơn, rộng lượng hơn, đừng vội phán xét. Làm gì cũng hãy chừa cho người ta một đường lui, biết đâu bạn đã cứu được cuộc đời của một người khác như các bạn của tôi từng làm.

Thùy

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 (giờ hành chính) để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top