Nhiều người hay bảo với con nít rằng truyện cổ tích không có thật hoặc đọc thôi chứ chẳng được tích sự gì đâu, chỉ toàn mơ mộng.

Hồi bé tôi hay đọc truyện cổ tích, luôn tin tưởng cổ tích là có thật. Con ếch làm sao biến thành hoàng tử được, nói trước cho nó biết để lỡ nó tưởng thật kiếm cái ao nhảy xuống để biến thành hoàng tử thì hỏng. Con nít bây giờ chẳng cần người lớn nói: "Truyện cổ tích đọc cho vui chứ không có thật đâu!", vì có khi nói xong nó quay ra bảo mình: "Cuộc sống này chỉ toàn ảo tưởng" ấy chứ.

Không nên nghi ngờ chỉ số thông minh của con nít thời nay. Bảo chúng là vịt con xấu xí có nỗ lực bao nhiêu không bao giờ biến thành thiên nga được, chúng sẽ nói lại là chẳng cần nỗ lực cũng biến thành con vịt lớn, đừng lừa em để em phải nỗ lực. Truyện cổ tích bao giờ cũng có cái kết: "Kể từ đó công chúa và hoàng tử hạnh phúc bên nhau mãi mãi", nhưng chuyện cổ tích có bao giờ bảo một đôi nam nữ yêu nhau sẽ hạnh phúc mãi mãi đâu. Em gái tôi bảo: "Chị ơi, sau này em không lấy chồng". Tôi hỏi vì sao, em nói: "Vì em không muốn phải dậy sớm nấu ăn, quét nhà, rửa chén". Em tôi mới 10 tuổi, nói chuyện có logic như vậy đó.

Đừng nghĩ truyện cổ tích lừa được con nít vì truyện có lừa ai đâu, truyện có logic và ý nghĩa sâu sắc. "Chiếc giày thủy tinh" của cô bé Lọ Lem cho bạn thấy chuyện tình cảm như đi giày vậy đó, đi vừa chân còn bị tuột, huồng hồ đi không vừa chân; đi không vừa chân thì đừng cố, bởi cố rồi lại làm mình đau chân. Chuyện "Nàng tiên cá" chứng minh vì tình yêu quên bản thân, đổi cái đuôi xinh đẹp lấy đôi chân để suốt ngày quanh quẩn xó bếp. Có điều chỉ cần mình muốn, lập tức có thể có lại cái đuôi xinh đẹp, lại quay về làm nàng tiên cá. Mỗi độ tuổi đọc truyện cổ tích có những cảm nhận khác nhau, ba tuổi khác với 13 tuổi và khi 30 tuổi đọc lại ra ý khác.

Nếu nói với một em bé rằng truyện cổ tích là giả cũng như tiết lộ cho em cuộc đời phía trước chông gai, rồi em lại trưởng thành trước tuổi. Nếu không nói với em, chỉ cần đồng hành cùng em tư duy, phân tích thì trưởng thành là một món quà đầy bất ngờ. Người trưởng thành nhưng vẫn giữ được mấy phần ngây thơ, trẻ con, chất phác thường hạnh phúc hơn những người khác. Trong truyện cổ tích, ác giả ác báo, người biết cố gắng và chịu khó nỗ lực cuối cùng sẽ được hạnh phúc. Cô gái bị mẹ kế ngược đãi vẫn gặp được hoàng tử, tay không tấc sắt vẫn đánh bại được gã khổng lồ, người bạn đã rời xa ta vẫn xuất hiện vào lúc ta cần nhất, người thân đã đi xa biến thành ngôi sao lấp lánh nháy mắt khi ta nhìn lên.

Nếu có một ngày, chẳng còn ai trên cuộc đời này quan tâm đến ta nữa, khi ta buồn vẫn còn đám mây trên bầu trời vì ta mà rơi nước mắt, khi chán chường thất vọng vẫn còn đám hoa cỏ bên đường cổ vũ cho ta. Nếu một ngày bị cuộc sống quật ngã, chán chường thất bại, quay về đọc một câu chuyện cổ tích, vẫn thấy cuộc đời đẹp tươi, thấy ta vẫn còn may mắn lắm. Trong thế giới hiện thực này, truyện cổ tích đôi khi là để "cứu rỗi" linh hồn khô khan. Truyện cổ tích hư cấu các nhân vật có thật, hư cấu một thế giới có thật, thực ra nhiều sách vở ta đọc toàn hư cấu thế thôi, trừ những sách nghiên cứu, nguyên lý...

Minh

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 (giờ hành chính) để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top