Đọc bài viết của cậu bé: "Con muốn cha mẹ thay đổi tính cách", tôi cũng muốn kể câu chuyện của mình. Hy vọng em bé tìm được cách giải quyết hợp lý.

Tôi 30 tuổi, từ lúc 6-7 tuổi gì đó đã manh nha ý định tự sát, việc ấy kéo dài tới tận khi học xong cấp ba. Bố tôi là con út trong gia đình có hai anh em trai, nhà bác có một anh con trai bằng tuổi tôi. Gia đình bác có điều kiện hơn, anh lại là cháu đích tôn nên được cả nhà cưng chiều từ nhỏ. Sẽ không có gì để nói nếu hai đứa trẻ cùng tuổi, cùng chơi, cùng học; thế nhưng khi xảy ra cãi cọ, đánh nhau hay bất cứ chuyện gì anh cũng được mọi người bênh vực (đặc biệt là bà nội). Bà hay chửi tôi bằng những câu khó nghe, dù anh mới là người gây chuyện. Tối đến, bà nói lại với mẹ tôi, hiển nhiên tôi bị đánh đòn.

Có lần anh họ viết bậy ra vở tôi, tôi cũng vẽ lại, bác gái nói với mẹ và tôi bị đánh. Trong tâm hồn của đứa bé mới học lớp một ngày ấy, tôi không hiểu tại sao mình bị ghét và bị đổ oan. Tôi gần như luôn đứng nhất hoặc nhì của cả khối suốt những năm tháng đi học, nhưng lần nào đi họp phụ huynh mẹ cũng chửi hoặc đánh đòn tôi. Mẹ cầu toàn, tôi lại không thể được điểm 10 trọn vẹn của môn nào đó hoặc thi thoảng bị cô giáo phàn nàn chút.

Nhà tôi nghèo, bố mẹ đi làm thuê từ 7h sáng đến 12h trưa, chiều làm từ 1h đến 7-8h tối. Dưới tôi còn một đứa em kém hai tuổi, tôi phải tự lo cơm nước từ khi học lớp ba. Nhà sẵn gạo, tôi tự tìm thức ăn, có khi chỉ là mớ rau muống hái ngoài kênh hoặc mót được mấy cây rau rền trong vườn. Nhà tôi đun bếp rạ, mới chín tuổi đã nấu nồi cám lợn to, tự tay san ra các thùng nhỏ cho đàn lợn cả chục con. Có nhiều hôm mải chơi nên làm muộn, mẹ đi làm về mà chỉ cần một trong số các việc nhà chưa hoàn thành là chắc chắn tôi bị đòn.

Bố mẹ tôi đi làm, tiền của ai người đó cầm, các khoản chung thì phân chia. Bố mẹ bị áp lực tiền bạc, tôi là người hứng chịu. Tôi rất sợ mỗi khi phải xin tiền nộp học, bố không chửi nhưng sẽ gắt: "Tiền, lại tiền, lúc nào cũng tiền". Ở quê tôi có nghề thêu thùa, lớn lên chút là tôi học thêu để kiếm tiền chi trả cho những lúc sinh nhật bạn bè, tiêu dùng cá nhân; đôi khi vẫn thiếu. Tôi nhớ có lần xin tiền mẹ mua băng vệ sinh, mẹ chửi thậm tệ rồi bảo xin bố. Một đứa con gái mới lớn, làm sao dám xin bố mua mấy thứ đó. Tôi khóc, không dám đi học, sau đó nghĩ ra cách lấy giấy vệ sinh cuộn lại và tự chế đồ dùng cho mình. Có lẽ giai đoạn đó tôi bị trầm cảm mà không biết, chỉ nhớ mỗi khi buồn hay lấy kim đâm vào 10 đầu ngón tay. Mùa đông đi gặt lúa, tôi cầm liềm rạch chằng chịt lên hai mu bàn tay, mấy hôm sau thành sẹo. Tôi chỉ biết lòng mình nhẹ nhõm hơn mỗi khi thân thể chịu đau. Tôi cũng có khi tuyệt thực nhưng bố mẹ chỉ nghĩ con cái đến tuổi ương bướng và nổi loạn, không biết nghĩ.

Mọi chuyện chỉ dần đỡ hơn khi tôi đi học đại học, ra trường và đi làm. Nhiều năm sau, kinh tế gia đình tốt hơn, tôi hay kể lại với mẹ về những chuyện ngày đó, nói rằng mình từng tổn thương. Lúc đầu mẹ bảo: "Sau này mày đẻ con, tự dạy theo cách của mày, còn tao chỉ có vậy thôi". Dần dần, tôi thấy mẹ cũng hiểu ra, bớt dùng những câu từ nặng nề để chửi (mẹ cũng chửi em tôi, hoặc khi cãi nhau với người khác mẹ chửi như vậy). Tôi rất thương bố mẹ, chỉ vì áp lực kinh tế và cơm áo gạo tiền mà họ thay đổi tính tình. Rồi ở quê, từ đời ông bà, hàng xóm xung quanh cũng chửi ngoa ngoắt như vậy nên dần dần bố mẹ nhiễm cũng là điều dễ hiểu. Tôi biết bố mẹ vẫn yêu thương hai chị em, vì thế cố nghĩ thoáng hơn, dùng tình cảm của mình để mở lòng, làm bố mẹ hiểu được cách dạy dỗ con như vậy là sai, sẽ gây những vết thương rất khó lành cho con cái.

Tôi đã có con nên thấu hiểu những mệt mỏi, áp lực cuộc sống mà bố mẹ từng trải qua. Con đã lớn nhưng tôi chưa có ý định sinh tiếp, muốn cho con đầy đủ vật chất lẫn tinh thần trong những năm đầu đời. Tôi không muốn vì áp lực cuộc sống, mệt mỏi mà trút lên đầu con, bởi mình là người quyết định đưa con đến thế giới này. Tôi yêu thương con và mong con được vui vẻ, hạnh phúc. Mong em trai ở bài viết kia tạm thời cứ cố gắng học hành, bỏ ngoài tai những câu từ đó. Rồi đến khi em đi học xa nhà, tự lập, dần dần mở lòng với bố mẹ xem sao. Chúc em mạnh mẽ và trưởng thành.

Dương

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 (giờ hành chính) để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top