Cô giáo, hai từ thiêng liêng trong ký ức tuổi thơ mỗi người. Cô giáo trong ký ức của tôi là người đi dạy học về lại dọn nhà, ra vườn hái rau và nấu cơm.

Cô giáo như mẹ hiền, cô giáo với tà áo dài thướt tha đã đưa đò chở biết bao bậc hiền tài, vĩ nhân, những con người mang Việt Nam vang danh ở đấu trường quốc tế. Cô giáo, người thầm lặng đến lạ kỳ; sau những nụ cười mỗi khi trống trường, cô vào lớp và sau đó biết bao khoảng lặng. Để thấu hiếu 40 học trò, nhiều khi cô hy sinh cả đam mê, những buổi gặp bạn bè và hơn cả là những giờ nghỉ ngơi khi đêm đến để cặm cụi ngồi chấm bài. Có những học trò nghiện game, học kém khiến nhiều đêm cô mang cả những tâm tư vào giấc ngủ chập chờn.

Nồi cơm thời bao cấp của cô như nồi cơm Thạch Sanh, lúc nào cũng thừa cho mấy đứa học trò ôn chuyên. Con trai cô trong đội tuyển, mỗi lần tan học các bạn kéo đến nhà cô ăn cơm để chiều thầy Lý đến dạy học. Đứa nhà gần, đứa nhà xa, đứa lười về, đứa mẹ mất bố lấy vợ hai... đều đến nhà cô, nơi có nồi cơm trong ngôi nhà nhỏ ven đường tàu. Đứa bị mất mẹ có năm ăn Tết ở nhà cô luôn. Nhà có gì cô cho học trò ăn đó, có khi chỉ là bát cơm chan canh cua rau đay mồng tơi hay ra tết còn vài khoanh bánh chưng rán cũng làm chúng hạnh phúc lắm rồi. Với đồng lương giáo viên ít ỏi, chồng cô là bộ đội về hưu sớm, cô nuôi cả gia đình, vậy mà nhà cô chưa bao giờ thiếu đồ ăn cho mấy bạn đội tuyển ôn thi học sinh giỏi.

Nhóm đội tuyển vào đại học rồi ra trường, ai cũng thành đạt. Con cô đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp trường đại học Xây dựng, được nhà trường mời ở lại làm giảng viên, cuối cùng lại chọn phát triển sự nghiệp ở công ty xây dựng thủy điện. Các bạn trong đội tuyển đi Hải Phòng lập nghiệp, Chinh tiếp bước con đường của cô là làm giáo viên ở Hà Nội, Hà làm ở văn phòng tỉnh ủy Ninh Bình. Nhờ nồi cơm Thạch Sanh của cô, chúng tôi đã trưởng thành.

Con trai cô thành đạt ở vị trí chủ tịch hội đồng quản trị và hoàn thành bằng MBA của Mỹ, chuẩn bị cho một tương lai tương sáng; người đó được cả đội tuyển đều ngưỡng mộ, người lớp trưởng mà cả lớp tự hào. Ai cũng vui và chúc mừng cho bao nhiêu vất vả của cô giờ đã được đền đáp. Cô đón con dâu, rồi đón cháu gái đầu chào đời trong niềm vui hân hoan. Cô ân cần và chu đáo, dành trọn tình yêu cho cháu gái, lo từng bữa ăn, giấc ngủ.

Mọi người cứ tưởng cuộc đời luôn vui là thế, rồi con trai cô phát hiện u não, con đường sự nghiệp đang rộng mở bỗng dừng lại. Cô tất bật như con thoi trên cung đường Hà Nội-Ninh Bình khiến dáng hình gầy lại càng gầy, ánh mắt cũng đượm buồn từ đó. Cô gồng mình kiên cường để con trai không nhìn thấy những giọt nước mắt lăn của mẹ hàng đêm. Ở nhà cô còn mẹ chồng cao niên, lên Hà Nội con trai bị bệnh. Mỗi lần con nhập viện mổ não, cô lại vội vàng mang balô ra Hà Nội. Có những chuyến xe ngày lễ đông nghẹt, cô vẫn cố đặt chân lên dù phải đứng cả đoạn đường hơn 100 km để kịp đến Hà Nội đưa con nhập viện.

Bốn năm chăm con ốm và năm lần con cô vào viện mổ não, lần nào cô cũng như xé từng khúc ruột, cổ nghẹn đắng, nước mắt chỉ trực trào. Buổi sáng mùa đông năm ấy gió bấc, trời mưa bão, cô khoác trên mình tấm vải mưa màu xanh, cùng con dâu cầm ô, đẩy xe lăn đưa con trai vào phòng mổ. Trời mưa táp thẳng vào anh, cô sợ con lạnh nên kéo tấm vải mưa che cho con. Khi cánh cửa phòng mổ đóng lại, cô lặng lẽ ra hành lang đứng. Cô run lên vì mưa lạnh ngấm vào người, thêm sự lo lắng cho con trai đang phải vượt qua bệnh tật. Cô chờ mãi phía cuối hành lang, gió rít xoáy sâu khiến cô lạnh buốt, bàn tay run lẩy bẩy, răng va vào nhau. Cô đứng đó sáu tiếng, bỏ cả bữa ăn để đợi con trai. Mỗi lần con vào phòng mổ là một lần cô lại hy vọng có phép màu.

Buổi sáng mùa đông lạnh, nghe tin đêm qua con trai vào viện cấp cứu, cô tất bật từ quê lên viện trêm Hà Nội. Bác sĩ báo khối u của con cô đã quá lớn, xâm lấn các vùng vận động và dịch chảy nhiều nên bất tỉnh, không có khả năng tỉnh lại. Cô chạy vào phòng cấp cứu, cái rét mùa đông thổi mạnh làm cô siêu vẹo và tiếng gọi: "Con ơi" nghe nát lòng. Nước mắt cô chảy, xin bác sĩ: "Cho con tôi thở ôxy về nhà, đã lâu rồi nó chưa được về, tôi sợ nó quên đường về nhà với tôi".

Từ ngày đó, cô sống lặng lẽ hơn. Cô giáo của chồng, cũng là mẹ chồng tôi, một đời mẹ lặng lẽ hy sinh vì chồng con. Con yêu và thương mẹ thật nhiều.

Nguyễn Thị Hương Lan

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 (giờ hành chính) để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top