Tôi là tác giả bài: "Mẹ và chị thứ hai liên tục chì chiết tôi", xin được nói chi tiết hơn để các bạn hiểu rõ chuyện nhà tôi.

Tôi mới tốt nghiệp và vừa đi làm nên không có tích lũy. Tôi là út nam, trên có ba người chị đã cưới chồng ở tỉnh khác. Gia đình tôi thuần nông, mọi khoản thu từ chăn nuôi đến trồng trọt mẹ là người giữ. Bà có sổ tiết kiệm 500 triệu đồng và cho mấy chị mượn 300 triệu đồng làm ăn. Bà khá lạc hậu, đến nay điện thoại còn chưa biết dùng, chỉ biết ăn mắm cái và "tiết kiệm đến mức cực đoan" mà thôi. Nhà tôi ở chẳng có gì, tôi chỉ là sinh viên mới tốt nghiệp nên chưa đóng góp gì được. Cách đây hai năm, ngay đúng đỉnh dịch Covid, bố tôi bị đột quỵ. Tôi chăm sóc ông và bị cách ly trong bệnh viện. Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ, y tá và mọi người khác, rồi trời thương nên bố tôi hồi phục thần kỳ. Từ đó ông mất sức lao động, hàng tháng tôi về chở ông lên bệnh viện tái khám và xin thuốc.

Mỗi lần đi như thế mẹ tôi luôn càm ràm vì tiếc tiền, nhiều lần tôi đã mâu thuẫn với bà vì việc này. Tôi nói mẹ bớt tiết kiệm lại, mua đồ ăn uống cho đủ chất mà bà không nghe. Về nhà là tôi lại nghe mẹ chì chiết ba, không mua đồ cho ba ăn, nhiều lúc ba bảo có khi chết đi cho khỏe. Tôi bất lực lắm, chỉ cho ông được vài đồng để dành. Ba cố gắng đi làm để có tiền nhưng sau đó bị tai nạn, tôi lại đi giải quyết mọi vấn đề, có một khoản tiền đền bù, tiền viếng và tiền hỗ trợ tôi ăn học đến tốt nghiệp. Nói thêm là khi ba còn sống, tôi là con trai duy nhất, đất nhà thờ là ông được thừa kế từ ông bà nên chỉ nói miệng là sau này mất sẽ để lại cho tôi. Tôi dùng khoản viếng đó để lo hậu sự cho ông và lo chu đáo 49 ngày. Còn dư, tôi sửa lại bàn thờ trong nhà, nhà thờ họ và điện nước an toàn cho mẹ, như thế tôi cũng yên tâm đi học khi mẹ ở nhà một mình.

Đời không như tôi nghĩ, sau 49 ngày của ba, bà chị kia đòi tiền viếng từ phía chồng chị ấy và bạn bè của chị với lý do còn phải đi thôi nôi, nhà mới để trả nghĩa cho ông bà. Cũng chính chị bày cách cho mẹ đòi tiền đi chợ, mua đồ cúng trong số tiền viếng đó. Tôi đã trả cho hai người đó số tiền đi chợ hơn 5,5 triệu đồng. Bác ruột bảo tôi nên giữ lại để lo hương khói chứ đừng đưa cho mẹ tôi vì bà rất tiết kiệm, chẳng sắm gì cả, sau 49 ngày của bố tôi, bác cũng mất vì bệnh. Tôi và người chị đấu khẩu về số tiền viếng kia, chị nói với mẹ là tôi phá hết tiền, bảo tôi lấy sổ đỏ của nhà để cầm cố. Khổ cái mẹ tôi được chị cho tiền nên mù quáng, suốt ngày chửi và kiếm chuyện với tôi. Tôi nói mãi mẹ không chịu nghe, nhiều lúc tôi cũng cáu lại bà.

Tôi thấy mệt mỏi quá; giáp năm vừa rồi tôi giao lại toàn bộ trách nhiệm cho mẹ. Tôi bảo tiền của bà tích góp tôi không lấy, nhưng đất đai phải để lại di chúc cho tôi để lo hương khói. Thế là cuộc chiến mới giữa tôi và người chị đó lại diễn ra, chị bảo mẹ đừng có viết hay ký gì hết. Nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ đi biệt xứ luôn, nhưng mỗi lần về thấy mộ ông bà, mộ bố chẳng ai chăm mà chạnh lòng. Hiện tại, tôi và mẹ chẳng có xích mích gì, chỉ mong mẹ đừng nghe lời người khác mà chửi tôi, gây chuyện với tôi, như thế là tôi mừng lắm luôn. Số tiền đền bù kia vẫn còn đủ 100%, đứng tên tôi và mẹ, nhưng tôi không chấp nhận lời của chị rằng để tiền đó cho mẹ lo tuổi già. Mẹ còn khoản tiết kiệm của mẹ.

Tiền lãi từ khoản đền bù kia chẳng bao nhiêu nhưng để đó tôi lo cơm cúng, hương khói, mồ mả cho ông bà. Mọi người bảo tôi kê ra số tiền tôi mua đồ, tôi bảo nếu chị chấp nhận trả số tiền đó thì tôi kê, không thì chẳng có lý do gì để phải làm như vậy cả. Tôi sai cũng có, nhưng hoàn cảnh vậy cho phép tôi sai. Thà không có tiền thì không nói, có tiền mà không lo đủ cho gia đình thì không được. Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của tôi.

Thành Nam

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top