Tôi cảm thấy mệt mỏi khi một mình gánh vác kinh tế, mỗi lần anh tái phát là nói năng mất kiểm soát, đe dọa tôi.

Tôi là nữ, 36 tuổi, có con gái 10 tuổi xinh xắn, ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Tôi kết hôn hơn mười năm, vợ chồng làm cùng công ty. Ban đầu thấy anh hiền lành, chăm chỉ. Chúng tôi quen nhau đến khi kết hôn là hai năm. Nhưng sau khi lấy về, anh dần lộ bản chất gia trưởng, muốn vợ làm theo ý mình. Khi con gái được một tuổi, anh phát bệnh tâm thần, gia đình cho đi chữa bệnh. Trong thời gian ấy, mình tôi ở trọ nuôi con nhỏ, cuộc sống vất vả khó khăn nhưng tôi vẫn chữa trị cho anh, hy vọng anh khỏi bệnh.

Rồi anh cũng ra viện, tôi vui mừng biết bao nhiêu, mong hai vợ chồng làm ăn nuôi con. Nhưng sau khi ra viện, anh không làm được việc gì nặng. Tôi nhập quần áo về để anh bán, còn mình vẫn đi làm công ty. Tôi không áp đặt kinh tế cho anh, bán được bao nhiêu thì bán, miễn gia đình vui vẻ, con được yêu thương. Nhưng chỉ được một hai năm, bệnh anh lại tái phát, tôi cho đi viện. Tất cả là ba lần đều thuê người áp tải đi. Tôi cảm thấy mệt mỏi khi một mình gánh vác kinh tế, mỗi lần anh tái phát là nói năng mất kiểm soát, đe dọa tôi. Tôi rất sợ, lần gần đây nhất, tôi và con phải đi trốn. Trong thời gian mẹ con tôi đi trốn, có để lại ít tiền cho anh ăn uống.

Anh có bố mẹ, anh chị em gần nhà, nhưng trong suốt thời gian tôi đi một tháng, anh ở nhà một mình, bệnh phát ra nhưng không ai hỏi thăm, quan tâm. Tôi biết anh em mỗi người mỗi phận nên không trách ai cả. Tôi chỉ có một mình (gia đình khác tỉnh) không thể đưa anh đi viện được, còn không lại phải thuê người đưa đi. Thật sự nhìn cảnh ấy, tôi rất thương xót, nhưng mỗi khi nghĩ lại những lời đe dọa, chửi mắng của chồng, tôi cực kỳ ám ảnh và sợ hãi. Nhiều khi tôi nghĩ mình đã cố mười năm rồi, buông bỏ đi, sống cho bản thân, cho con thôi. Nhưng khi hàng xóm thông báo tin của anh, tôi lại thương, lại phân vân về quyết định của mình. Tôi nghĩ dù sao cũng là một kiếp người, anh mang bệnh vậy cũng khổ thân.

Nếu tôi quyết định tiếp tục sống cùng, cứ một hai năm đưa chồng vào viện vài tháng, cả đời tôi sẽ như thế. Mình tôi đi làm không đủ tiền chi trả. Tôi rất bế tắc, mong các bạn cho tôi lời khuyên để có thể mạnh mẽ hơn.

Hoàng Huệ

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top