Tôi là tác giả bài viết "Thương chồng, tôi buộc phải chấp nhận cả nhà chồng".

Bài viết trước, nhiều độc giả cười khi tôi ngỏ ý muốn giữ giúp vàng của mẹ chồng để dự phòng ốm đau sau này. Vì khi còn khỏe, ông bà làm chung công ty với tôi, tới kỳ lương, con gái bà thường đứng trước cổng đợi, có đồng nào ông bà đều đưa cho cô con gái lấy chồng gần đó xài, khi đau ốm bao lần, chỉ có vợ chồng tôi lo, trong túi ông bà không có ngàn nào. Còn về việc tôi nghĩ mình lấy được người chồng tốt, đó là vì anh rất nỗ lực kiếm tiền cũng như yêu thương vợ con nhưng vì tính anh tốt nên không bỏ mặc được gia đình lớn. Anh lại tất tả lo cho ba mẹ, cho các em để chúng ỷ lại vào anh.

Từ lúc tôi viết bài đến nay đã vài tháng và có biến cố lớn ập đến gia đình tôi. Ba chồng mất đột ngột sau cơn đột quỵ tái phát. Chồng tôi tự trách rất nhiều khi ít quan tâm, gần gũi ông, vì hai cha con không có tiếng nói chung. Chồng tôi làm nhà nước nhưng ông lại mê đánh bạc, ông thường ngại và tránh mặt chồng tôi. Các em chồng khóc lóc trước quan tài ông vật vã, duy chỉ chồng tôi bình tĩnh lo toan hậu sự, thỉnh thoảng tôi thấy anh giấu đi những giọt nước mắt.

Lúc nhìn thấy các em chồng khóc lóc, trong lòng tôi nghĩ tại sao khi họp gia đình, tôi ý kiến mỗi người con hãy đóng góp hàng tháng cho ba mẹ, tùy điều kiện nhưng ai cũng than khổ và né tránh. Khi ba chồng mất, chồng tôi mới tá hỏa khi thấy giấy tờ tùy thân của ông đều nằm ở tiệm cầm đồ, phải chi ra một số tiền lớn lấy xe, lấy giấy, lấy nữ trang mẹ chồng cầm ngoài tiệm về, trả nợ hội người cao tuổi ba đã vay. Chi phí ma chay là con số rất lớn tôi không ngờ. Cũng may nhờ chồng tôi làm cơ quan, 70% khách đến phúng viếng là cơ quan chồng tôi, bạn bè anh, nên cũng đủ để lo cho ba chồng được mồ yên mả đẹp.

Xong việc, gia đình chồng yêu cầu đưa số tiền phúng viếng còn lại cho em trai chồng trả nợ. Tôi hơi bất ngờ nghĩ số tiền này nên để lo tuần tự và đám giỗ cho ba chồng, lo cho mẹ chồng vì bà không còn sức khỏe đi làm. Giờ ngoài phụ cấp mẹ chồng hàng tháng, vợ chồng tôi lại gánh thêm chi phí tuần tự, đám giỗ ba chồng,... Đôi lúc tôi thấy chạnh lòng khi ra thắp cho ba chồng nén nhang, gặp mẹ chồng, thấy mặt tôi là bà lại hỏi tiền và hay than khổ.

Con trai tôi 8 tuổi, nghỉ hè về ngoại chơi, thấy bà ngoại quần áo nhiều không mặc hết, cháu xin "Cho con vài bộ đem cho bà nội nha". Kinh tế năm nay khó khăn hơn mọi năm rất nhiều, vợ chồng tôi tự lập, nhà ba mẹ chồng để cho em chồng nhưng mọi chi phí ngoài đó đều chồng tôi lo. Anh rất khổ tâm khi đứng giữa một bên đàn em báo nợ mẹ già và một bên cố gắng lo cho vợ con được đủ đầy. Đêm khuya tiếng mưa tí tách, thỉnh thoảng tôi thấy anh thở dài.

Tôi nhớ từng đọc một bài viết về người chồng có hoàn cảnh như anh và đột quỵ tại chỗ khi chủ nợ kéo đến đòi xiết nhà của ba mẹ ruột, tôi buồn cho phận mình nhưng đã thương và lựa chọn anh nên phải mạnh mẽ đồng lòng cùng bước tiếp. Dù chấp nhận và mạnh mẽ đi cùng anh, cũng như sau bao năm cố gắng hai vợ chồng đều có công việc tốt trong xã hội nhưng tôi vẫn thật lòng khuyên các bạn trẻ khi bước vào hôn nhân, không chỉ sống với chồng, hãy tìm hiểu kỹ cả hoàn cảnh của gia đình chồng. Nhiều khi chênh lệch trình độ, hiểu biết, mức sống quá khác biệt cũng rất khó để hòa hợp.

Hoài An

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top