Thời gian đầu quen vợ, tôi gặp nhiều sự phản đối và điều tiếng bên ngoài, nói chúng tôi không "môn đăng hộ đối".

Tôi kết hôn được bảy năm, đã có một cháu. Gia đình tôi xưa nay buôn bán tạp hóa, đủ ăn đủ mặc. Nhà có hai anh em, tôi là con trai đầu, sau là em gái, ba mẹ cho anh em học hành đầy đủ. Tốt nghiệp ra trường, tôi nghĩ mình là con trai nên phải lo cho bố mẹ, vì thế bỏ việc ở Sài Gòn để về quê làm cán bộ nhà nước. Nhà vợ tôi có bốn anh chị em, là hộ cận nghèo, chỉ có vợ tôi học hết lớp 12. Tôi thương vì thấy vợ chịu khó làm lụng, cũng tạo điều kiện để em có thêm việc làm, thu nhập cũng khá, tầm sáu triệu đồng mỗi tháng. Vượt qua mọi rào cản, chúng tôi cưới nhau, về ở chung nhà với ba mẹ tôi được một năm, sau đó do không hợp với mẹ nên tôi ra thuê nhà ở riêng.

Thời gian mới cưới còn thiếu thốn trăm bề mà lại dọn ra ở riêng, rồi ra riêng ai sẽ ở với ba mẹ tôi (em gái lấy chồng xa), tôi đắn đo suy nghĩ mãi. Khi ở riêng, con tôi được hai tuổi, vợ chồng dồn hết vốn liếng thuê nhà để ở và mở tiệm tóc cho vợ làm. Như vậy vợ tôi thu nhập ổn định với hai công việc, thu nhập không dưới 10 triệu đồng mỗi tháng. Tôi cũng làm thêm ngoài, thu nhập tương đối. Lương tháng tôi đều đưa hết cho vợ.

>> Tôi mất niềm tin với vợ

Khi dọn ra riêng tôi mới thấy nhiều vấn đề phát sinh. Vợ lo làm, không có thời gian chăm con, không lo được việc gia đình và cơm nước. Bảy năm nay tôi chưa ăn được quá 10 bữa cơm vợ nấu. Tôi không tị nạnh việc gia đình với vợ. Từ lúc lấy nhau, việc nhà, giặt đồ, đưa đón con là tôi làm hết, thấy vợ không có thời gian. Thời gian dần trôi, công việc nhiều, tôi không còn thời gian để nấu nhưng vẫn duy trì giặt đồ, làm việc nhà, đưa đón và lo học phí cho con. Vì vậy tôi hay về nhà mẹ vợ ăn cơm trưa, còn chiều thì ăn tiệm, vợ chồng ít khi ăn chung.

Nhớ lại lúc con lên ba tuổi, tiệm tóc kinh doanh không tốt, vợ nhường tiệm cho em gái ruột, chơi họ rồi mua sắm tiêu xài cá nhân, cho vay lấy lãi sau đó bị lừa. Vợ về lấy sổ đỏ nhà đẻ để vay ngân hàng 150 triệu đồng, nói là lấy tiền làm ăn, nhưng tôi không thấy làm ăn gì hết. Thời gian này thấy vợ chi tiêu không hợp lý, tôi nói không đưa lương cho em nữa, vợ chồng thường xuyên cãi nhau vì tiền bạc. Rồi tôi vẫn đưa lương cho vợ dù bản thân rất khó khăn, đang đi học nâng cao và mối quan hệ xã hội ngày càng nhiều. Lúc con bốn tuổi, vợ làm nhiều việc nhưng vẫn giữ được công việc bán thời gian mà tôi đã tạo điều kiện từ trước, vì thế thu nhập vẫn ổn. Không hiểu sao làm bao năm chúng tôi vẫn không tích lũy được đồng nào, nợ vẫn còn đó, dù rằng thời điểm này tổng thu nhập hai vợ chồng phải 25 triệu đồng mỗi tháng.

Tôi thường xuyên khuyên vợ nên nấu cơm để trưa hai vợ chồng về ăn chung, hoặc bận thì em dậy sớm đi chợ, trưa tôi về nấu cũng được. Vợ ham chơi, thích tụ tập la cà đám bạn, nói ra thì em bảo bận đi làm, thời gian đâu cơm nước, về nhà mẹ vợ ăn đi. Tôi thèm cảm giác được ăn cơm gia đình ghê gớm. Thời điểm con năm tuổi là lúc vợ làm thêm nghề ghi số đề và bán bảo hiểm, thu nhập của em gấp đôi tôi. Vợ làm số đề chung với tình đầu, tôi gặp qua người này vài lần. Rồi chuyện không ngờ cũng đến, cả gia đình vợ tổ chức đi resort chơi nhưng em nhất định không cho tôi đi, dù tôi nói xong việc sẽ ra sau. Chuyến đi chơi đó cả gia đình vợ giấu tôi chuyện có tình đầu của vợ đi cùng. Tôi chỉ biết khi vợ của người kia tìm gặp và cho tôi xem những tin nhắn vợ tôi nhắn với hắn ta, xưng hô với nhau là vợ chồng.

>> Làm sao giữ hôn nhân khi chồng không còn tin vợ

Trời đất trước mắt tôi như quay cuồng, bao nhiêu câu hỏi hiện lên trong đầu, tại sao? Tôi đau đớn, tổn thương, bỏ nhà ra đi khoảng một tuần. Vợ nói đó chỉ là cách xưng hô từ nhỏ. Tôi nhắm mắt cho qua, vì tương lai của con. Sau chuyện đó là chuyện vợ nợ bên cho vay nặng lãi 200 triệu đồng do ôm số đề, tôi cũng phải chạy vạy vay ngân hàng để trả, mong gia đình êm ấm. Những tưởng mọi chuyện sẽ qua đi nhưng không, khi con sáu tuổi, vợ lại đứng ra vay nặng lãi cho em út 100 triệu đồng, vay thêm bằng thế chấp sổ đỏ 100 triệu đồng nữa cho em. Em út cờ bạc, đề đóm, không có khả năng trả nên bỏ xứ đi. Rồi đến chị vợ mượn tôi 60 triệu đồng để làm ăn nhưng không làm gì, cũng lao vào cờ bạc, đề đóm. Vợ tôi cũng đứng ra vay nặng lãi cho chị 200 triệu đồng để rồi chị cũng bỏ xứ đi. Vợ tôi còn nợ những người khác tầm 200 triệu đồng.

Tới giờ phút này tôi như gục ngã, liệu còn lối thoát nào cho tôi không? Tôi thương con, không muốn con phải thiếu thốn tình cảm, nhưng sự hy sinh của tôi không đáng được vợ trân trọng. Điện thoại của vợ, tôi chẳng thể đụng vào vì khóa nhiều lớp. Tôi không dám cho ba mẹ biết, sợ ông bà sốc. Liệu rồi đây còn chuyện gì sẽ đến với tôi? Vợ trách tôi không cùng đồng hành mà lại đi giận dỗi. Tôi đồng hành làm sao được khi sự tin tưởng không còn, khả năng tài chính đã cạn? Có lẽ tôi đã quá nhu nhược, lối thoát nào cho tôi?

Quân

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top