Tôi 29 tuổi, đã ly hôn, có công chúa gần tuổi rưỡi, xuất thân trong gia đình làm nông.

Nhà có ba anh em, ba mẹ cố gắng cho tôi lên Sài Gòn đi học, tốt nghiệp tôi tham gia nghĩa vụ quân sự hai năm. Xuất ngũ, tôi quen vợ trong dịp lễ hội do địa phương tổ chức. Tôi làm việc văn phòng, thu nhập khá, vợ là tình đầu của tôi. Tôi thích tự lập, không nhậu nhẹt nhiều, uống có chừng mực, không cờ bạc hay quen nhiều phụ nữ trước và sau cưới, biết nhẫn nhịn. Điểm yếu là tôi không giỏi việc bếp núc.

Em là con một, nhỏ hơn tôi bốn tuổi, nhà em cách nhà tôi chừng năm phút đi xe. Ba mẹ em lúc trước làm công nhân. Khi quen nhau, tôi thấy vợ cũng biết lo việc nhà, nấu các món cơ bản. Trong quá trình tìm hiểu, tôi biết mẹ em còn ghi lô đề, ba em chơi bi-a, cá độ bóng đá. Ba mẹ ruột khuyên tôi nên cân nhắc, tôi nghĩ đó là nghề của họ, không quan tâm. Tất cả chi phí cưới hỏi, tôi tự lo 90%, còn lại ba mẹ để hỗ trợ.

Cưới xong ba mẹ tôi không bắt em làm dâu, ở đâu cũng được, miễn làm ra tiền tự nuôi thân. Ba mẹ cũng không bắt em làm bất cứ việc gì, dù nhỏ hay to. Tôi nói nhỏ với vợ, sáng quét cái nhà rồi hãy lên nhà mẹ đẻ buôn bán tạp hóa. Em bảo chồng có làm gì trên nhà ngoại đâu, sao vợ lại phải làm dưới nhà tôi. Tôi nghe thế rất bất ngờ vì ăn uống xong tôi luôn dọn dẹp, rửa chén bát phụ, nhà cửa vẫn quét. Tôi giận khi vợ xưng hô mày tao, nói tục. Mỗi lần tức giận là em đập đầu, đấm tay vào tường, có lúc cầm dao định làm hại tôi với những lý do không giống ai như tôi về trễ không ăn cơm cùng em (dù tôi đã nói trước và khoảng 19h đã về). Vợ còn ghen tuông, nghĩ tôi có bồ dù tôi đưa vợ điện thoại kiểm tra thường xuyên.

>> Không còn yêu vợ sau một năm kết hôn

Lương tôi nói vợ biết, ngoại tình càng không, vậy mà mẹ vợ muốn quản tôi cả chuyện tiền lương. Tôi thấy có vấn đề nên muốn ly hôn, sau đó vợ khóc, hứa sẽ không vậy, gia đình hai bên hòa giải. Tôi lại mềm lòng, quyết định bỏ qua. Hơn sáu tháng sau, vợ có bầu, tôi một mực yêu thương và quan tâm em. Tới ngày vợ sinh ở Sài Gòn, tôi lo 100% chi phí. Sau sinh, vợ xin ở với nhà ngoại để tiện chăm sóc, tôi đồng ý. Lúc này dịch Covid căng thẳng, tôi có con nên làm online tại nhà, tôi phụ vợ và chăm con. Tôi gặp áp lực công việc, ba mẹ đẻ khi đó bị tai nạn, ba vợ bị tạm giam do cá độ, vì thế dù công việc đang thăng tiến tôi vẫn quyết định nghỉ để phụ ba mẹ ruột, chăm vợ con.

Xung đột từ lúc tôi làm online tại nhà cho đến lúc nghỉ việc, đa phần giận nhau là vợ đòi ly hôn. Khi con gần một tuổi, tôi nói nhỏ với vợ là phụ tôi phần tã, còn lại tôi lo, mục đích là muốn vợ có trách nhiệm trong gia đình. Vợ lại cho rằng tôi tính toán. Em chạy xuống phòng mẹ quát lên dù người lớn ở xung quanh. Em xưng mày tao, tôi nói rõ ràng cho người lớn nghe, vợ vẫn lớn tiếng. Tôi bỏ đi mua thuốc cho con (lúc này con đang bệnh). Mười lăm phút sau, mẹ vợ gọi, nói sẽ giết tôi nếu vợ tôi chết, yêu cầu tôi đi tìm. Tôi bất ngờ với cách hành xử của mẹ vợ vì tôi không phải người khiến vợ có thái độ như thế.

Vợ định nhảy cầu, tôi khuyên ngăn. Sau đó ba mẹ tôi lên nói chuyện phải trái, khuyên can vợ hãy vì con, vậy mà vợ nhất định ly hôn. Mẹ vợ nói lỗi do tôi mà ra. Mẹ vợ và vợ yêu cầu tôi ký trợ cấp bốn triệu đồng mỗi tháng, trả lại tất cả vàng mọi người đã cho tôi vì tôi không xin lỗi, năn nỉ vợ. Tôi không đồng ý xin lỗi, cũng không chịu ly hôn, vợ vẫn đi nộp đơn. Vàng tôi trả lại, còn trợ cấp tôi chỉ đưa hai triệu đồng mỗi tháng.

>> Hết yêu vợ nhưng không đủ can đảm để ly hôn

Quyết định ly hôn đã có, mỗi đêm tôi nhớ con, chỉ biết đem tấm hình con đặt cạnh gối ngủ. Con gái dứt sữa từ lúc được ba tháng, đa phần tôi chăm nên bé mến tôi nhất. Sau ly hôn một tháng, vợ tôi đã có người yêu mới. Tôi lên thăm con, sữa vẫn cho uống, còn lúc ăn thì cho ăn cơm với canh của người lớn. Con bị xước tay chân, tôi hỏi em, em bảo bé đang tập đi nên hay té, rồi xưng hô mày tao, nói tôi không có quyền hỏi em dạy con như nào.

Tôi tìm hiểu cách đòi lại quyền nuôi con, được biết bản thân phải có nhà riêng, đứng tên bất động sản hoặc tiền tiết kiệm, cuối cùng là bằng chứng vợ hành hung và bỏ bê con. Mục một và hai tôi xoay được, có quen người anh làm luật sư, anh ấy nói do con dưới ba tuổi thường ưu tiên cho mẹ nuôi. Những bằng chứng như xước tay chân chưa đủ thuyết phục để giành lại quyền nuôi con. Tôi rất yêu con, sẵn sàng mất mọi thứ để đón con về. Giờ tôi phải làm sao đây?

Nguyên

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top