Chồng 31 tuổi, tôi 28 tuổi, lương chồng bảy triệu đồng và tôi sáu triệu đồng; cuộc sống đơn giản, nghĩ chỉ cần có nhau là đủ.
Cuộc đời lại không đơn giản vậy, tiền trọ, ăn uống, chi tiêu vợ chồng... chẳng tháng nào hai đứa dư được đồng nào. Tôi nhớ, ngày tám tháng ba năm đó chồng mua tặng cái đồng hồ hơn bốn triệu đồng vì đã bao dịp lễ tết tôi không được tặng quà. Tôi giận chồng cả tuần vì số tiền đó bằng tiền ăn cả tháng của hai đứa. Cưới rồi tôi có bầu luôn, khi đó mới 23 tuổi, vừa ra trường một năm, công việc chưa ổn định. Chồng ra trường trước tôi hai năm, ngành của anh học lâu hơn.
Lúc đó hai đứa hoang mang lắm nhưng quyết tâm bám trụ thành phố đến cùng. Tôi nghĩ đơn giản thế này, chúng tôi đều tốt nghiệp đại học, có sức khỏe, tuổi trẻ, trình độ, sẽ cùng nhau phấn đấu đi lên chứ không bàn lùi, người ta làm được mình cũng làm được, "muốn thì tìm cách, không muốn sẽ tìm lý do". Trong bối cảnh ấy, tôi đồng ý cho chồng đi tàu biển (anh là thủy thủ), khi đó bản thân mang thai năm tháng rồi. Xa chồng khi bầu bí cũng tủi thân lắm, nhưng muốn tương lai tốt đẹp hơn thì chúng tôi phải đánh đổi. Chồng đi 10 tháng, khi về con cũng tầm sáu tháng rồi, mang về hơn 200 triệu đồng tiền vốn. Chúng tôi vay hơn 500 triệu đồng mua căn chung cư cũ 48 m2 ở ngoại thành Hà Nội, ít nhất đã có một tổ ấm nhỏ và sạch sẽ cho con.
>> Vợ chồng có tài sản lớn lại không giữ được hạnh phúc
Mua nhà cũng là thời điểm tôi đi làm lại, nhờ bà nội và ngoại lên trông con giúp. Tôi đi làm, chồng tiếp tục đi tàu. Suốt ba năm sau đó vợ chồng tôi cày cuốc, tôi còn nhận thêm việc làm ngoài giờ. Hồi đấy con nhỏ, tôi cứ lừa được con ngủ là dậy bật máy tính làm việc, con khóc lại vào giường dỗ con, một đêm không biết bao lần vừa làm vừa nằm dỗ con rồi lại dậy làm. Ba năm chúng tôi không đi du lịch, không ăn nhà hàng, không mua sắm nhiều, thậm chí hạn chế cả việc đi cà phê, trà sữa. Mọi chi tiêu vợ chồng dồn vào con và giúp đỡ bố mẹ hai bên.
Rồi dịch Covid ập đến, tôi nhớ cảm giác lúc đó hoang mang, không biết nên ở thủ đô hay về quê khi có mẹ già, con nhỏ khi xe cộ dừng hoạt động, cách ly, phong tỏa. Tôi rất mạnh mẽ trong cuộc sống khi không có chồng bên cạnh, nhưng lúc dịch bệnh mình lại trở nên hoang mang. Cùng tàu với chồng tôi có một anh, bố mẹ anh mất đúng đợt Covid nên không thể bay về nước. Sau chuyến đấy, vợ chồng quyết định chồng không đi làm xa nữa, phần vì đã trả được phần lớn nợ (chỉ còn khoản nợ người nhà), phần vì con đã lớn, cần có bố ở bên.
Có thể nói ba năm chồng đi biển, cũng là thời gian tôi bầu bí, sinh con, chăm con nhỏ đầy thử thách của bản thân. Nhìn lại, nếu không có sự đánh đổi đó, chúng tôi đã không được như ngày hôm nay. Tôi biết ơn vì những cố gắng đã được đền đáp. Chồng về bờ đồng nghĩa thu nhập bị giảm đáng kể, nhà tôi lại tiết kiệm bằng cách tăng thu nhập và giảm chi tiêu. Thu nhập của vợ chồng luôn kèm theo các khoản bên ngoài, chưa bao giờ chỉ đến từ lương. Chúng tôi đều nhận thêm việc làm ngoài, sau nhiều năm đi làm kinh nghiệm tăng nên lương cũng tăng. Tổng thu nhập của chúng tôi tạm ổn, đã mua được chiếc ôtô cũ để tiện đi lại, về quê. Sau khi trả hết nợ cũ, vợ chồng bán căn hộ đang ở để chuyển sang căn mới, to, rộng hơn.
>> Vợ chồng tôi hạnh phúc khi không sinh con
Nhìn lại sau năm năm cố gắng, chúng tôi hài lòng về những gì đang có và lên kế hoạch để sinh em bé thứ hai, tích lũy mua thêm tài sản thứ hai. Có câu nói rằng: "Đi từ số không đến số một là khó nhất vì không nhân mấy cũng bằng không, nhưng khi lên một thì sẽ phát triển rất nhanh vì số một nhân số nào sẽ bằng chính số đó". Bài học tôi rút ra là:
Một: Nếu không mua được nhà ở nội thành, có thể chuyển ra ngoại thành, các vùng ngoại thành giờ phát triển, có rất nhiều các công ty và khu công nghiệp, không thiếu cơ hội việc làm. Không mua được đất nền thì mua chung cư, không xây được nhà mới thì mua nhà cũ... Như nhà tôi mua chung cư cũ nhưng cũng khá hài lòng vì chủ nhà trước đã sơn sửa lại toàn bộ nhà và sắm sửa nội thất, gần như chỉ việc về ở.
Hai: Bài học chi tiêu luôn là tăng thu nhập và giảm chi tiêu. Có rất nhiều cách tăng thu nhập ngoài lương như: tăng ca, làm thêm giờ, nhận thêm việc bên ngoài, bán hàng bên ngoài, làm thêm công việc thứ hai... Giảm chi tiêu là giảm các khoản mua sắm đồ chơi, quần áo cho con, mỹ phẩm, đồ cho bố mẹ chỉ sắm đủ dùng, thực phẩm cũng mua đa dạng nhưng vừa đủ hoặc không thừa thãi nhiều, hạn chế các khoản cà phê, trà sữa, nhà hàng...
Ba: Có lẽ là điều quan trọng nhất: "Thuận vợ thuận chồng" và không so sánh với người khác. Luôn cố gắng và tin tưởng nhau sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Có nhiều người sẽ nói, gia đình mình may mắn vì công việc của chồng đi tàu nên có cơ hội để kiếm thu nhập cao. Đúng vậy, đó là may mắn của vợ chồng tôi. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, chúng tôi có một công việc để tăng thu nhập, nhưng đó cũng là công việc phải đánh đổi vô cùng nhiều. Khi về nước, chồng tôi cũng phải bắt đầu lại từ con số không với một công việc trên bờ không đúng chuyên ngành.
>> Hạnh phúc tan vỡ từ khi làm việc chung với chồng
Xin việc ở tuổi gần 30, anh phải cạnh tranh với em sinh viên mới ra trường trẻ, khỏe, nhưng anh quyết tâm và nỗ lực. Chồng tôi luôn dậy từ 5h sáng để đọc tài liệu và dành một tiếng buổi tối để nghiên cứu, luôn học hỏi các đàn anh trong nghề và không ngại nhận việc để có kinh nghiệm. Sau hai năm, giờ chồng tôi tự tin nhận thêm các dự án bên ngoài, có sự thăng tiến trong công việc và mức thu nhập không kém khi đi tàu. Vì vậy, tôi nghĩ ai cũng có thể làm được nếu thực sự chăm chỉ và quyết tâm.
Loan
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment