Tôi là thế hệ đầu 9X, lớn lên ở vùng quê nghèo trên mảnh đất cố đô, nơi không internet, không học thêm, tuổi thơ trôi qua thật êm đềm.

An Lương Đông là trường làng to nhất ở huyện, tôi vẫn còn nhớ cảm giác vui sướng khi lần đầu được lọt vào lớp chọn trong kỳ thi tuyển cấp ba ở đây với thứ hạng 41/42. Các bạn trong lớp đều là học sinh đến từ các lớp chọn ở địa bàn, tôi là số hiếm hoi ngoại lệ. Suốt ba tháng hè tôi đi loanh quanh trong xóm, đến từng nhà của những anh chị năm trên, xin họ các sách vở để lại, đó cũng là lần đầu tôi biết đến sách tham khảo. Tôi dành trọn mùa hè ấy để tự học, với mục tiêu có thể trụ lại được trong lớp. Ấy vậy mà, tổng kết học kỳ I, tôi đứng thứ hai của lớp. Cuối năm ấy, tôi nhận học bổng học sinh giỏi xuất sắc toàn trường. Từ đó, điểm số tôi luôn đứng đầu trường. Run rủi thế nào, tôi chọn học Y, hành trình tự lập tuổi 18 bắt đầu.

Ba ngày sau khi thi đại học, tôi xin ở lại trong gia đình một em lớp 12, tôi dạy kèm ba môn, đổi lại bản thân có chỗ ăn ở để học. Trường Y là đại dương mới, bạn bè với những thành tích đầy tự hào, tôi rất ngưỡng mộ và tự nhủ phải cố gắng thật nhiều. Qua năm nhất, em học trò vào đại học và tôi lại sang nhà mới. Cứ ngỡ sẽ bình lặng đi qua sáu năm ở sáu ngôi nhà như thế nhưng cơm nhà người thật không dễ. Tích cách của gia chủ cùng với các xung đột trong gia đình họ đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của tôi. Không biết tôi đã khó khăn như thế nào, chỉ nhớ rằng một đêm, anh trai đang học Bách khoa Sài Gòn gọi hỏi thăm, than phiền về việc nhà trọ chật hẹp do tiền thuê thấp quá, tôi đã nói: "Ước mơ lớn nhất của em lúc này là được ra ở trọ". Ông ấy im lặng...

>> Vợ cống hiến hay ham chức quyền

Cuối năm hai, tôi trở về quê mở trung tâm luyện thi, nơi cần tri thức của tôi hơn là ở thành phố. Thời kỳ chuyển giao năm đó thật khó quên, tôi đã trốn học từ lúc 16h để chạy 30 km về quê dạy cho các em ở trung tâm và quay lại thành phố lúc 20h để dạy tiếp cho đứa học trò ở phố đến 22h. Sau đó tôi xuống bếp, kiếm gì đó ăn để kịp quay vào ôn thi cho kỳ thi cuối kỳ ở trường. Ròng rã hai tháng, tôi không ngủ giường, chỉ ngủ gục trên bàn để không chìm vào giấc ngủ quá sâu. Cũng bất ngờ, tổng kết năm đó, lần đầu tiên tôi vươn lên vị trí đầu lớp. Bốn năm sau đó là những ngày miệt mài chạy xe máy hơn 60 km, sáng thực tập ở viện, trưa ngồi quán cà phê soạn giáo án, chiều học lý thuyết ở trường, tối dạy ở trung tâm và khuya ôn bài trường. Lạ thay, tỷ lệ học sinh đỗ trường top ở chỗ tôi tăng cao, một số đủ điểm đạt học bổng đi du học.

Ngày tốt nghiệp, nhận tấm bằng loại giỏi, một số đại học mời tôi ở lại công tác, niềm đam mê sư phạm luôn hối thúc tôi trở thành thầy giáo. Nhiều năm phân tán suy nghĩ, tôi cũng sợ mình không đủ năng lực làm bác sĩ. Tuy đau xót nhưng tôi đã đóng cửa trung tâm, gác lại mọi việc, vào Sài Gòn tham gia kỳ thi bác sĩ nội trú (BSNT) sẽ diễn ra trong ba tháng tới. Đó là quãng thời gian quá ngắn để chuẩn bị cho kỳ thi có tính cạnh tranh khốc liệt nhất trong tất cả các trường Y. Tôi nỗ lực hết mình, trời thương, nên tôi đã trở thành BSNT. Lúc này tôi dùng hết số tiền tích lũy ít ỏi trong thời kỳ ôn thi, tìm kiếm ngược xuôi rồi cũng xin được vị trí bác sĩ bán thời gian vào cuối tuần ở một viện tư tại Bình Dương. Tuy vậy, với áp lực công việc quá lớn tại một bệnh viện công lớn ở TP HCM, cộng với đi làm cuối tuần đã vắt kiệt sức lực tôi trong hai tháng. Tôi ngỡ rằng mình đã không thể gắng gượng nữa.

Như một định mệnh, một bệnh viện tư lớn đã đến và cấp học bổng. Được giải phóng khỏi gánh nặng kinh tế, tôi như con chim xổ lồng. Họ để tôi có thể trở thành phiên bản mà tôi luôn bị kìm hãm trong suốt chặng đường mưu sinh nhiều cay đắng. Cuối năm hai, tôi đã giác ngộ nhiều thứ mà bản thân luôn mơ hồ. Tôi bắt đầu chia sẻ các bài giảng của mình lên mạng xã hội và nhận được rất nhiều sự hưởng ứng, giúp tôi sáng lập một diễn đàn dành cho các bác sĩ trẻ với hơn 90 nghìn thành viên, là nhân viên y tế trong và ngoài nước, cùng chia sẻ, bàn luận và tìm giải pháp cho các vấn đề y học. Ngày tốt nghiệp sau đại học, thật xúc động vì sau chặng đường dài tôi đã được ghi nhận: Á khoa đầu ra của toàn khối nội trú, hạng xuất sắc.

>> Cuộc sống êm đềm nên không nỗ lực làm việc

Hà Nội đón tôi trong một chiều đông lạnh, nơi tôi có một tuổi trẻ thật đáng nhớ. Tôi được gặp người thầy, người bạn tri kỷ, PGS.TS người Hàn Quốc. Cùng với sự hỗ trợ của cộng sự và lãnh đạo bệnh viện tư kia, đặc biệt là chị tổng giám đốc, tôi dần biết cách để giải quyết các bài toán bệnh nhân mình gặp phải. Làm sao thực hiện một xét nghiệm khó? Làm sao tìm kiếm một thuốc hiếm? Làm sao thực hiện một kỹ thuật chưa từng triển khai để cứu bệnh nhân? Bất kể khó khăn gì, tôi đều giữ niềm tin kiên định, sẽ phải cho người bệnh Việt Nam nhận được sự chăm sóc và tư vấn tốt nhất như thế giới có thể làm. Nhiều kỳ tích cho bệnh nhân được tạo ra, tôi cũng trở thành giảng viên tại đại học tư nhân lớn và xuất bản cuốn sách đầu tiên. Hạnh phúc vỡ òa khi tôi đã vượt qua hơn 2.400 đề cử để trở thành một trong 40 nhân viên y tế trẻ tiềm năng mới nổi trên toàn thế giới trong lĩnh vực ung thư năm 2022, được vinh danh và trao giải tại Chicago (Mỹ).

Mọi thứ như câu chuyện cổ tích trong cuộc đời tôi, câu chuyện này sẽ còn được nối dài khi những giống cây tốt được ươm trồng bởi những con người vĩ đại. Tôi chợt nhớ một câu trong bài hát "Cho đời chút ơn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm...". Đi không phải để chạy trốn, đi để tìm thấy bình minh cho mình, cho quê hương.

Bác sĩ Phan Trúc

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top